Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Trưởng thành trong nghèo khó đã ảnh hưởng như nào đến cách tôi xem "PARASITE"?

PARASITE (Kí sinh trùng) là một phim hài đen giật gân (black comedy thriller) của Hàn Quốc vào năm 2019, đạo diễn bởi Bong Joon Ho. Câu chuyện xoay quanh hai gia đình: gia đình nhà Kim đang cố xoay sở cho đủ ăn và gia đình nhà Park giàu có sang trọng. [...] Sự thật là nếu bạn xem phim mà chưa từng trải nghiệm sự nghèo đói, bạn có thể sẽ không thể cảm nhận được cơn bão cảm xúc như chúng tôi - những người đã từng có quá khứ sống bấp bênh và nghèo nàn.


Tôi bước ra khỏi rạp phim, phía sau tôi là một gia đình thượng lưu "kiểu Mĩ": Một người cha (tạm gọi là Richard), một người mẹ (tạm gọi là Carol) và hai đứa trẻ (hãy gọi chúng là Ashley và Brian). Họ nói về sự tuyệt vời của bộ phim, nhất là những biểu tượng về "kí sinh trùng". Vừa vứt lon soda và thùng rác, Carol vừa nói: "Đó đúng là một nỗi xấu hổ. Nhưng chúng ta nên để ý và lắp đặt một hệ thống an ninh tốt hơn cho nhà mình. Mẹ đang thấy khá là lo lắng." - "Mẹ à!!!", những đứa trẻ tuổi teen thở dài.

Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là "Câm đi Carol", nhưng vẫn phải cố dằn nỗi lo sợ của mình xuống. Gia đình đó ra ngoài, bước lên một chiếc ô tô, lái xe về nhà - nơi mà rất có thể lắp đặt hệ thống an ninh cao cấp và mới nhất hiện nay từ một chương trình quảng cáo TV mà Carol xem (bởi vì, thành thực đi nào, Carol rất có thể vẫn xem quảng cáo TV) hoặc có thể cô ấy đặt nó từ một tập trong Shark Tank.

PARASITE (Kí sinh trùng) là một phim hài đen giật gân (black comedy thriller) của Hàn Quốc vào năm 2019, đạo diễn bởi Bong Joon Ho. Câu chuyện xoay quanh hai gia đình: gia đình nhà Kim đang cố xoay sở cho đủ ăn và gia đình nhà Park giàu có sang trọng. Nhà Kim sống tại một căn hầm tồi tàn ở khu ổ chuột cho dân lao động. Dù không ý thức được về điều này nhưng họ tự thân tỏa ra "mùi nghèo khổ” - thứ mà gia đình nhà Park trong phim bàn tán về. Bằng vận may bất ngờ, gia đình nhà Kim đã “xâm nhập” vào cuộc sống của gia đình Park, từng người một. Ông Kim làm tài xế riêng cho ông Park, bà Kim giữ vị trí quản gia cho nhà Park còn hai đứa con đều làm gia sư cho các con ông Park ở hai môn Tiếng Anh và Nghệ thuật. Chiến lược thâm nhập không còn đi đúng kế hoạch khi nhà Kim phát hiện rằng họ không phải gia đình duy nhất “sống bám” nhà Park giàu có.




Sự thật là nếu bạn xem phim mà chưa từng trải nghiệm sự nghèo đói, bạn có thể sẽ không cảm nhận đầy đủ cơn bão cảm xúc như chúng tôi - những người đã từng có quá khứ sống bấp bênh và nghèo nàn. Carol có một “nỗi buồn sang trọng” về sự cùng khổ của những nhân vật trong phim và cảm thấy thỏa mãn khi bàn luận chủ đề đó với bạn bè - những cuộc trò chuyện mà cô thi thoảng ném ra vài thống kê để tỏ vẻ am hiểu, rồi yên tâm về nhà mà không bao giờ nghĩ về nó lần nào nữa...cho đến khi chủ đề nóng hổi tiếp theo trên Twitter cần đến sự tham gia sáng chói của cô.

Đối với những người nghèo hoặc trưởng thành trong nghèo khó và đã thấm nhuần cuộc vật lộn ấy, bộ phim là hiện thực rất khác.

Tôi 10 tuổi. Đó là sinh nhật người họ hàng và tôi được mời đến tham gia buổi tiệc tại một quán cà phê cho trẻ nhỏ. Tôi mới chỉ đến quán cafe một hoặc hai lần trước đây. Gia đình tôi chưa từng có đủ tiền để đến những nơi sang trọng như vậy. Tôi đã lo lắng cực độ trước khi bữa tiệc bắt đầu 1 tiếng. Tôi nhận ra mình không có trang phục nào khác ngoài đồng phục và đồ ngủ, thậm chí không có nổi một chiếc quần jean. Tôi không có gì để mặc, nhưng không phải theo kiểu “cô gái da trắng chuẩn bị ra ngoài” (1). Tôi tìm thấy một cái áo cũ để mặc, nó giờ đã quá nhỏ so với tôi, nhưng ít nhất nó có lấp lánh. Nó có chút không khí lễ hội và có thể giúp mọi người khỏi chú ý vào chiếc quần rõ-ràng-là-đồng-phục tôi mặc.

Truyền thông nói về “Kí sinh trùng” như một kiệt tác về sự bất công và thiếu hụt chuyển dịch xã hội (2), thể hiện sự tương đồng về lỗ hổng hệ thống giữa Hàn Quốc và Mĩ. Bộ phim thực sự là một kiệt tác. Nó thể hiện cách biệt giữa người giàu và người nghèo theo cách độc đáo khi mà những thống kê khô khan về kinh tế và chênh lệch xã hội ở cả hai quốc gia xem thường cảm xúc và ảnh hưởng tâm lý mà cái nghèo tác động lên con người.

Báo mạng chạy những tít báo về “Kí sinh trùng” với các từ ngữ như “xung đột giai cấp” và “chiến tranh giai cấp”. Và nếu đó là một cuộc chiến, rõ ràng người nghèo thua cuộc. Lí do là bởi, làm người CỰC KÌ GIÀU thì không-đủ-nhục-nhã. Đó chính là lí do. Chính là nó, chứ không phải cải cách, dự thảo Quốc hội hay sáng kiến cơ sở. Nó là về cảm xúc khi có được lợi thế. Không có gì nhục nhã khi trở thành tỉ phú, nhưng lại thật xấu hổ khi mặc lại đồ của chị. Không có gì nhục nhã khi trả cho công nhân mức lương tối thiểu trong khi thu được 150.000 đô trong mỗi phút bạn sống, nhưng lại quá xấu hổ khi phải tiêu dè xẻn và nhịn ăn.


Trong hầu hết các bài phân tích và review phim, chúng ta thấy rất nhiều biểu tượng hạ cấp được gắn với gia đình nghèo - những từ như “kí sinh trùng”, “nhà Kim sống bám vào gia đình giàu có”, “diễn viên di chuyển như một con gián”,... Tuy nhiên, hầu hết chúng ta biết rằng hệ thống người giàu đều sống bám vào nhân công, tài nguyên và thời gian làm việc của tầng lớp lao động.

Lấy một vài thống kê đại diện: Trẻ em trong nhóm 1% dân số giàu có cơ hội theo học nhóm trường Ivy League cao gấp 77 lần nhóm 20% dân số nghèo nhất. Khóa Harvard 2022 có nhiều sinh viên kế thừa (3) hơn là sinh viên Mĩ gốc Phi. Và những người thuộc top 10% chịu trách nhiệm về quá nửa số cacbon thải ra môi trường.

Tuy nhiên, dù chỉ trích người giàu, vấn đề hệ thống tạo ra kẽ hở cho phép sự bất công hiện hữu dường như không có động thái giảm thiểu hay cải thiện. Trở thành sinh viên kế thừa tại nhóm trường Ivy League, tuyển dụng con ông cháu cha hay những nhóm lợi ích,... tất cả bị chỉ trích nhưng không bị làm nhục hay bêu riếu. Loại cảm xúc quyền lực đó, hãy để tôi kể cho bạn.

Người nghèo phát sinh nỗi lo về việc thiếu thốn và nỗi xấu hổ về tiền, nhưng người giàu thì không.


Tôi 12 tuổi. Cuối cùng, tôi đã đủ dũng cảm để mời một người bạn về nhà và làm bài tập sau giờ học. Họ đến nhà. Một người bạn trông có vẻ shock, gần như sợ hãi. Tôi nói “ Xin lỗi, nhà tớ đang tu sửa”. Cô bạn biết tôi nói dối. Tôi biết rằng cô ấy biết. Cả hai chúng tôi đều ngượng nghịu. Cô ấy nói mình đói và hỏi liệu tôi có gì ăn không. Tôi nói một lời nói dối đáng giải Oscar diễn xuất: “Để mình tìm xem” trong khi biết chắc chắn rằng nhà mình chẳng còn cái quái gì cả. Tôi mở tủ ra, haiz, chả có gì cả, trừ 1 túi đường và một củ hành hỏng. Bạn bè tôi bắt đầu cười, đùa cợt về những công thức nấu ăn kì lạ mà gia đình tôi dùng với hai nguyên liệu đó. Và tôi chẳng bao giờ mời bạn bè về nhà nữa.

Với đường đua tổng thống hiện tại, trong khi ứng viên cố để vượt mặt đối thủ bằng những chính sách hấp dẫn cho tầng lớp lao động, việc “phỉ báng” người giàu trở thành tâm điểm. Chúng ta bôi xấu sự giàu có và việc Jeff Bezos kiếm tiền "chính đáng" hàng tỉ đô. Nó giống y như cách một vài người cho rằng “Kí sinh trùng” phỉ báng sự giàu có của nhà Park. Điểm khác biệt duy nhất là chúng ta không nhìn thấy yếu tố cảm xúc của nhóm bị chỉ trích. Họ trông có vẻ không quan tâm tới chỉ trích và không xấu hổ chút nào. Lời ve vuốt của chủ nghĩa tân tự do và Đảng Bảo thủ là: Nếu bạn làm việc đủ chăm, nếu bạn cố thêm một chút nữa, bạn sẽ trả hết nợ. Ý tưởng chính của nó là: Beyonce và Zuckerberg cũng chỉ có 24 tiếng một ngày như bạn. Vậy, bạn còn định biện hộ gì?

Ý tưởng này thật sự tồi tệ, bóc lột và quá ngu ngốc.

Khi bài báo của Atlantic “Thoát nghèo đói đòi hỏi đến 20 năm với điều kiện không xảy ra sai sót gì” xuất bản, tôi thấy tất cả những người bạn trung-thượng lưu của tôi nói về nó trên Facebook, tôi cảm thấy như bị phơi bày. Bởi vì lí do tôi “thoát” được nghèo chính là nó. Nó là việc không xảy ra sai sót gì trong chính xác 20 năm. Chính xác 20 năm. Tôi không ốm, thành viên trong gia đình không ốm, nhà tôi không bị lũ lụt hay thảm họa nào,... Tôi đạt học bổng hai lần. Không có gì làm chệch đường dây. Không có sai sót nào xảy ra với tôi trong 20 năm giúp tôi sống sót và có khả năng mua vé xem “Kí sinh trùng”.

Tôi 20, đi cùng bạn trai ở đại học đến nhà anh ấy tại bang Connecticut trong kì nghỉ Lễ Tạ ơn. Chúng tôi đều bị viêm họng và cảm thấy không ổn. Mẹ anh ấy lái xe đưa ảnh tới phòng khám gần đó và lấy kháng sinh. Đó là điều tuyệt vời mà một chế độ bảo hiểm tốt và một người mẹ quan tâm có thể làm cho bạn. Tôi không có đặc quyền đó và nằm nghỉ trên giường. Anh ấy từ chối chia sẻ thuốc cho tôi. Tôi cảm thấy đau khổ đến hết cuối tuần và vội đến ngay trung tâm y tế trường khi đi học trở lại. Ở đó, tôi nhận được một đơn thuốc. Tôi có cảm giác như mình không đáng để nhận điều tốt hơn.

“Kí sinh trùng” là một trong những kiệt tác sáng giá nhất của thời đại chúng ta về chủ đề bất bình đẳng. Bong Joon Ho có lẽ đã cài cắm những ý tưởng riêng mà chúng ta không nên hiểu sai, nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn nên phát triển thêm các tầng nghĩa mà ông chưa có chủ đích thêm vào từ đầu. Đừng chỉ coi bộ phim như một công cụ giải trí. Chúng ta nên phân tích cách nó khiến ta cảm nhận và cả những điều nó không khiến ta cảm thấy - một dạng đối thoại giữa chúng ta và những người không thể tham gia vào đối thoại này.


Tôi 26 tuổi. Tôi bước ra khỏi rạp sau khi xem xong bộ phim mới của Bong Joon Ho. Tôi không còn nghèo nữa. Giờ tôi thuộc hạng dưới của tầng lớp trung lưu. Tôi làm việc chăm chỉ. Tôi có thể mua mọi thứ. Phải chăng là thế? Tôi có thể mua chiếc vé xem phim 12 đô, khốn nạn thật, lũ tư bản. Tôi cố quản lí tài chính của mình. Tôi đủ may mắn để không phải chịu khoản vay sinh viên. Tôi có một ít tiền tiết kiệm. Tôi đọc báo và xem Youtube để lấy lời khuyên về tài chính khi rảnh.

Nhưng gia đình đi phía sau tôi gọi tôi là “Kí sinh trùng”.

Tôi 10 tuổi, mặc chiếc áo lấp lánh ngắn cũn, một tay cầm túi đường, một tay cầm củ hành hỏng. “Câm đi, Carol.”

Anna là một biên tập viên và dịch giả. Cô ấy tốt nghiệp Cử nhân Ngôn ngữ học tại một trường Đại học giáo dục khai phóng nhỏ ở New York. Ở đó, lần đầu cô tận mắt học được băng giá là gì, và không có cách nào ngăn cản được một chàng trai tên Kyle, mặc áo thun in logo cá voi với quần đùi màu cá hồi nói với cô ấy rằng hãy tự lực cánh sinh đi (4).
____________________________________________


*Vui lòng dẫn nguồn bản chính và bản dịch khi sao chép.*
________________________________
CHÚ THÍCH:

(1) Những cô gái có quá nhiều đồ không biết mặc gì
(2) Dịch chuyển xã hội: Là sự vận động của cá nhân hay một nhóm người từ vị thế xã hội này sang vị thế xã hội khác; là sự di chuyển của một con người, một tập thể, từ một địa vị, tầng lớp xã hội hay một giai cấp sang một địa vị, tầng lớp, giai cấp khác. Di động xã hội có thể định nghĩa như sự chuyển dịch từ một địa vị này qua một địa vị khác trong cơ cấu tổ chức. (Wiki)
(3) Sinh viên kế thừa: Sinh viên được nhận vì có cả cha và mẹ cùng là cựu sinh viên của trường và từng có cống hiến cho trường.
(4) Nguyên văn là “pull herself up by her bootstraps"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Marriage Story (2019) - Câu chuyện hôn nhân

Marriage Story là câu chuyện hôn nhân đã đi đến hồi kết của hai người chẳng còn sự đồng điệu như họ đã từng. Bộ phim chiếm trọn cảm tình c...