Trong con mắt của đa số khán giả điện ảnh, những tấm poster thường chỉ có hai tác dụng chính. Đầu tiên và quan trọng nhất, poster là hình thức để quảng bá cho phim, để những khán giả ra rạp có thể cân nhắc có nên bỏ tiền mua vé xem phim hay không thông qua thông tin giới thiệu được in trên poster (đa phần là tên diễn viên, đạo diễn hay nhà sản xuất). Với số ít khán giả điện ảnh khác, họ sưu tầm poster của những tác phẩm kinh điển như một sở thích và treo nó lên tường phòng riêng. Nhìn chung, những tấm poster chỉ chiếm một ví trí khá mờ nhạt trong lòng khán giả. Chúng ta thường tập trung phân tích bộ phim hay đôi khi là trailer, teaser của phim mà ít khi quan tâm đến poster, bỏ quên rằng những tấm poster kia thực ra cũng có đời sống riêng, câu chuyện riêng mời gọi chúng ta đến khám phá. Chính những gì mà chúng ta bỏ quên ấy, đôi khi lại có thể khơi gợi ra dạt dào xúc cảm, chẳng kém gì bản thâm bộ phim.
Lịch sử phát triển của poster phim cũng phức tạp và thú vị chẳng kém gì lịch sử điện ảnh. Ở mỗi thời đại, mỗi địa điểm, poster lại được thiết kế theo những cách vô cùng khác biệt. Chẳng hạn, vào thời kì đầu của thế kỉ 20, những tấm poster ở Châu Âu được cho là chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Lập Thể, Chủ nghĩa Siêu Thực, Tân nghệ thuật,.. Ở Ba Lan, ta có thể nhìn rõ những tác động của Chủ nghĩa cộng sản tới thiết kế của poster phim: poster bộ phim lãng mạn Casablanca là hình ảnh lá cờ nước Pháp với khẩu súng được đặt ở vị trí trung tâm; còn poster của Cabaret, một bộ phim nhạc kịch Mỹ, lại sử dụng biểu tượng của Đức Quốc Xã thay vì hình ảnh nữ diễn viên như poster gốc.
Nói thêm một chút về cách thiết kế poster ở Ba Lan vào thời kì này: Chúng đều được thiết kế khá đơn giản, không cầu kì chi tiết như những tấm poster quảng bá cho các bom tấn phòng vé được thiết kế khá "hầm hố" thời bấy giờ tại Mỹ. Một đặc điểm khác là những tấm poster này thường khá xa rời với câu chuyện của phim. Một nguyên tắc bất di bất dịch khi thiết kế poster là nó phải thu hút khán giả và nội dung cũng như bố cục cần được bố trí làm sao để có thể gợi lên nội dung chính của phim, từ đó nhằm lôi kéo khán giả đến rạp. Bởi vậy, cách thiết kế poster ở Ba Lan trái lại còn xa rời hoàn toàn với bộ phim khi chỉ tập trung đến những chi tiết góc cạnh không mấy quan trọng.
Chẳng hạn, Casablanca là bộ phim kể câu chuyện tình bi thương nơi thành phố Casblanca những ngày chiến tranh đang diễn ra căng thẳng. . Những yếu tố như khẩu súng, hay cờ Pháp mặc dù có xuất hiện trong phim, nhưng chúng không đóng vai trò trung tâm trong một bộ phim lãng mạn. Bởi vậy, có thể thấy yếu tố chính trị đã ảnh hưởng đến xu hướng thiết kế ở Ba Lan như thế nào.
Tại kinh đô điện ảnh Hollywood, những tấm poster lại có những câu chuyện đa dạng hơn nhiều. Vào thời kì phim câm, poster là một phần không tách rời của trào lưu Tân nghệ thuật đang nổi lên từ cuối thế kỉ XIX. Sang đến thời kì hoàng kim của Hollywood, cách thiết kế poster đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và gợi mở hơn. Cũng chính từ khoảng thời gian này, ta được chứng kiến nhiều phong cách và trào lưu sáng tạo thậm chí còn ảnh hưởng đến tận ngày hôm nay. Thế nhưng, có một điều mà chúng ta không còn thấy nữa, đó là những tấm poster được vẽ tay hoàn toàn. Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, người ta chỉ còn làm poster dưới dạng kĩ thuật số. Thế nhưng đã có một thời gian dài, những tấm poster được vẽ tay từng cực kì thịnh hành .Nếu chiêm ngưỡng kĩ hơn phần nhiều trong số ấy, ta có thể xem chúng như những tác phẩm nghệ thuật thực thụ; bởi lẽ các tác phẩm đó không chỉ thỏa mãn đầy đủ những tiêu chí cần có của một poster chất lượng, quan trọng hơn, chúng được người nghệ sĩ thổi cái tôi cá nhân của mình vào để làm nên những tác phẩm độc nhất vô nhị.
Để đi tìm một người xuất sắc nhắc trong lĩnh vực thiết kế poster, thì Saul Bass chắc chắn là cái tên xuất hiện đầu tiên. Ông là nhà làm phim từng đoạt giải Oscar, nhà thiết kế đồ họa, poster phim nổi tiếng bậc nhất Hollywood. Trong suốt sự nghiệp hơn 40 năm của mình, Saul Bass đã thiết kế poster cho hàng loạt các nhà làm phim vĩ đại như: Alfred Hitchcock, Otto Preminger, Billy Wilder, Stanley Kubrick và Martin Scorsese,.. Chúng ta có thể dễ dàng nắm được phong cách thiết kế đặc trưng của Saul Bass thông qua hàng loạt poster nổi tiếng mà ông từng thiết kế như: những nét vẽ tay rất riêng, những nét vẽ có phần méo mó vào thời kì đầu của sự nghiệp hay xu hướng thiết kế tối giản. Saul Bass thường chỉ sử dụng ba màu, trong đó tận dụng tối đa sự tương phản màu sắc nhằm thu hút thị giác của người xem.
Trong tấm poster "Such Good Friend", một bộ phim lấy đề tài ngoại tình này, Saul Bass chọn khắc họa đôi chân ở vị trí nằm ở vị trí trung tấm của poster. Màu đen của đôi chân đối lập hoàn toàn với sắc đỏ của nền sẽ ngay lập tức hút người xem vào và khơi gợi tò mò về một câu chuyện tình mập mờ vụng trộm. Hình ảnh này một lần nữa, đối lập với tiêu đề phim "Such Good Friends" được đặt bên dưới cả về ngữ nghĩa, màu sắc lần vẽ mỏng manh của nét chữ so với đôi chân bên trên. Tất cả những điều này không chỉ ngay lập tức dẫn dặt người xem đến với câu chuyện của bộ phim, mà nó cũng thể hiện một góc nhìn rất riêng của người nghệ sĩ thiết kế ra tấm poster.
Một ví dụ khác là tấm poster của một trong những bộ phim kinh dị nổi tiếng nhất mọi thời đại "The Shining". Trước khi tấm poster chính thức hoàn thành, Saul Bass đã thiết kế khoảng trên dưới 300 tấm poster, tất cả đều xuất sắc theo cách riêng của mình nhưng đều không đủ để làm hài lòng Stanley Kubrick. Có tấm thì "trông quá trừu tượng", có tấm thì "chữ viết khó nhìn", có tấm lại "tạo cảm giác như phim viễn tưởng",.. Stanley cần một tấm poster vừa tạo được tò mò cho người xem, vừa toát ra được vẻ kinh dị ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và bản chính thức dưới đây đã đáp ứng tất cả tiêu chí ấy.
Ở đây một lần nữa, dòng tiêu đề phim và hình minh họa được đặt ở vị trí trung tâm của poster. Chữ "T" được vẽ to hơn hẳn, vừa để đủ diện tích cho gương mặt mấp mé bên trong (hình ảnh này liên tưởng đến một trong những cảnh quan trọng nhất của phim), vừa cho cảm giác giống như cây rìu (một chi tiết quan trọng khác trong phim). Việc chọn màu vàng làm nền cho poster cũng hoàn toàn là điều dễ hiểu, bởi đây là màu sắc đem lại hiệu ứng thị giác mạnh mẽ nhất.
Nhìn chung, thiết kế ra một tấm poster chuẩn mực, chứa đựng đầy đủ những thông tin cần truyền tải để giới thiệu về bộ phim không phải một việc khó khăn. Thế nhưng làm thế nào để nâng tầm tấm áp phích đấy lên thành một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng đời sống và phong cách của riêng nó bên cạnh việc tóm tắt câu chuyện của bộ phim, thậm chí có thể đứng độc lập mà vẫn khiến người xem phải cảm thán thì không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ sáng tạo ra tấm poster ấy phải đem cả những trải nghiệm và nét độc đáo của riêng mình vào quá trình làm việc, hay như cách mà Saul Bass từng diễn tả về công việc của ông: "Tôi chỉ mong có một điều là những gì tôi thiết kế ra phải đẹp nhất có thể. Tôi chẳng quan tâm liệu người xem có hiểu những tấm poster của tôi hay không. Chỉ cần tôi thấy hài lòng là đủ. Và tôi cũng chỉ muốn sống đời mình theo cách ấy."
Đức Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét