Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

NHỮNG NHÂN VẬT LƯỜI BIẾNG TRÊN MÀN ẢNH: TỘI ĐỒ HAY CHỈ LÀ NHỮNG KẺ ĐÁNG THƯƠNG?

 Nếu như xem phim là đời, thì cuộc đời đó tồn tại rất nhiều kiểu người khác nhau. Có người xấu, có người tốt, có người nghịch ngợm, có người chăm chỉ và cũng có kẻ.. lười chảy thây. Lười biếng là tính xấu, thế nhưng với nhiều nhà làm phim, có nhiều câu chuyện đằng sau sự lười biếng chứ không hẳn là một điều đáng trách


Con người chúng ta ai cũng có lúc lười biếng. Đôi khi chỉ là cơn biếng lười không muốn hoàn thành ngay việc gì đó mà tặc lưỡi để "kệ lúc khác làm". Những cũng có khi, sự lười biếng lại trở thành một bệnh dịch và chúng ta chẳng muốn làm gì nữa. Rất nhiều bộ phim điện ảnh kì công gây dựng nên những nhân vật như vậy - những kẻ lười đến tột độ, mà mỗi người lại mang một câu chuyện đằng sau sự lười biếng của họ. Những câu chuyện ấy cho khán giả những cái nhìn sâu sắc hơn về căn bệnh "mãn tính" của con người: không hề đáng trách mà trái lại, đau lòng đến tan hoang.


Kẻ anh hùng lười nhất thế gian

 

"The Big Lebowski" (1998) là bộ phim nổi tiếng nhất về sự lười biếng. Bộ phim mở đầu bằng giọng của người kể chuyện, mở ra không gian vùng Los Angeles giàu có vào những năm 90. Đó là câu chuyện về một gã tự gọi mình là "The Dude". Giọng nói trầm ngâm đó kể cho ta về một kẻ "đại diện cho thời đại này, và không một ai phù hợp hơn cho thời đại này, cho vùng đất này, ngoài hắn". Ta những tưởng nhân vật chính mà phim nhắc đến sẽ là một người anh hùng với những phẩm chất tốt, hoặc ít ra thì cũng là một người tốt bụng, một nhân vật chính diện. Thế nhưng trái với kì vọng, The Dude lại là một gã lười chảy thây, chẳng thiết tha gì đến chuyện đi làm kiếm sống.

 

 

Ngày ngày, gã dành phần lớn thời gian cho bowling, đến cuối ngày thì nằm lăn ra sàn nhà nghe nhạc rồi ngủ thiếp đi. Điều kì lạ là dường như bowling không phải điều gì to tát như đam mê hay lý tưởng sống của đời The Dude. Gã chơi như thể để có việc mà làm. Kì lạ hơn là mặc cho cuộc đời diễn ra như vậy, The Dude chưa một lần thấy chán nản hoặc phải tự vấn bản thân. Gã hành xử như thể đây chính là cuộc đời mình mong muốn, và không gì có thể làm gã hạnh phúc hơn.

 

"The Big Lebowski" không tập trung vào làm sáng tỏ về lý do cho tính cách kì là của The Dude mà tập trung vào khai thác mâu thuẫn giữa các nhân vật ở hiện tại. Thế nhưng, nếu để ý kĩ từ những cuộc hội thoại của nhân vật, khán giả sẽ phần nào đoán ra được điều gì làm nên con người The Dude. Gã thuộc về thế hệ Baby Boomer của Mỹ - thế hệ sinh từ năm 1946 -1964 và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cuộc chiến tranh Việt Nam. The Dude từng có một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết tham gia vào những phong trào vận động phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Những cuộc biểu tình vào thời kì này thường không đi đến đâu cả, và hẳn chính sự kết thúc của phong trào này đã góp phần định hình nên con người lười nhất thế gian này.

 

The Dude không thèm để tâm gì về xã hội, miễn là những người xung quanh để yên cho gã sống đời mình. Thế nhưng, trong một tối trở về nhà, The Dude bị những kẻ lạ mặt tấn công và cướp đi tấm thảm phòng khách của gã. Không chấp nhận sự bất công này, The Dude quyết tâm đi đòi lại tấm thảm. Cái tinh thần không chấp nhận bất công mà chắc hẳn được tôi luyện từ những lý tưởng sống thời trẻ, cộng với tính cách lười biếng lập dị, vô trách nhiệm đã làm nên một trong những cuộc phiêu lưu kì lạ nhất trên màn ảnh. Và điều làm nên ý nghĩa của bộ phim không phải một thông điệp đẹp đẽ nào cả, mà lại nằm ở  việc sự lười biếng vẫn ở yên đó không hề thay đổi, thậm chí còn là một sự lười biếng cao cả vô cùng.

 

Một nhân loại lười biếng

Trong "Wall -E" - bộ phim hoạt hình tuổi thơ của rất nhiều người, sự lười biếng không phải vấn đề của một hai người, mà nó là câu chuyện của toàn bộ nhân loại. Lấy bối cảnh tương lai, "Wall - E" giả định về một tương lai mà Trái đất không còn sự sống vì bị con người khai thác đến kiệt quệ. Con người giờ đây sống trôi dạt trên tàu vũ trụ, được phục vụ đầy đủ bởi các robot và ngập trong sự thừa mứa vật chất. Vì quá tiện nghi như vậy, nhân loại không còn ai thiết tha đến vận động, đi lại mà chỉ di chuyển bằng xe điện khiến ai ai cũng trở nên béo phì.

 


Nhưng đáng buồn thay, béo phì vẫn không phải là hậu quả nặng nề nhất của sự lười biếng. Khi được sống trong sự sung túc, con người cũng dần quên đi nguồn cội của mình, quên đi mình cũng từng sống cùng với thiên nhiên, từng là một phần của thiên nhiên cây cỏ. Khi mất đi sự liên kết với nguồn cội, con người cũng mất đi sự kết nối với chính bản thân mình và những người xung quanh. "Wall - E" mở ra cho khán giả một góc nhìn về sự mất kết nối đó. Con người khi ấy trở nên quá lười biếng để tìm lại sự kết nối cho bản thân mình, thậm chí còn quá lười biếng để đặt ra câu hỏi cho bản thân về sự mất kết nối đó. Cuối cùng, thật hài hước mà cũng thật cay đắng, sự kết nối ấy lại được người máy Wall - E tìm lại.

 

Wall-E cũng đập tan đi ảo mộng về sự vĩ đại của con người. Những phát minh vĩ đại tưởng chừng sẽ cải thiện cuộc sống của con người không làm chúng ta trở nên vĩ đại. Thậm chí, chúng ta còn biến thành những tội đồ đem đánh đổi quê hương, nguồn cội để đổi lấy việc được thoải mái lười biếng mà không hay biết rằng chính sự lười biếng đó sẽ giết chết chúng ta.

 

Căn bệnh của xã hội hiện đại

Nếu hai bộ phim trên khắc họa về sự lười biếng của con người vào thời kì quá khứ và tương lai, thì "Burning" (2018) lại khắc họa về sự lười biếng của thời hiện đại ngày nay. Bộ phim đặt ba nhân vật chính vào trong lòng xã hội Hàn Quốc hiện đại, mỗi nhân vật lại có hoàn cảnh sống khác biệt hoàn toàn: một Hae mi nghèo khó nhưng luôn mơ ước về những chuyến đi xa, một Jong su khao khát trở thành nhà văn nhưng không quyết tâm thực hiện ước mơ đó và một cậu chàng nhà giàu Ben được sống trong dư dả vật chất nhưng lúc nào cũng chán chường thực tại xung quanh mình. Cả ba đều là những người trẻ, đều loay hoay với những câu hỏi không lời giải đáp về ý nghĩa của cuộc đời, về vị trí của họ trong một xã hội đang phát triển đến đảo điên.


 

Họ mang trong mình cảm giác như thiêu đốt không thể lý giải nổi. Càng cố gắng chạy thoát khỏi cảm giác đấy, cả ba càng nhận ra họ chỉ đứng yên một chỗ. Đây liệu có phải nỗi niềm chung của những người trẻ đang sống nơi phố thị: luôn bị dằn vặt bởi cảm giác phải làm điều gì đó, nhưng thực tế dù có cố gắng đến đâu chúng ta vẫn luôn dậm chân tại chỗ? Chúng ta cố gắng đến phát điên bên trong một dáng vẻ lười biếng bình thản. Chúng ta như những con vịt tỏ vẻ bình yên, nhưng bên dưới mặt nước đang đạp chân điên cuồng. Ta cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng trong cuộc đời để rồi tự hỏi có tồn tại một chỗ đứng như vậy không, khi mà thời gian cứ trôi đi như thiêu đốt, đem đi cả tuổi trẻ, cả khát vọng, chẳng để lại gì ngoài sự lười biếng mãi mãi vẫn còn nguyên.


                                                                                                                                        Đức Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Marriage Story (2019) - Câu chuyện hôn nhân

Marriage Story là câu chuyện hôn nhân đã đi đến hồi kết của hai người chẳng còn sự đồng điệu như họ đã từng. Bộ phim chiếm trọn cảm tình c...