Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Joker (2019) - Bi kịch của một gã hề





Lấy bối cảnh thành phố giả tưởng Gotham những năm 80, bộ phim là câu chuyện xoay quanh nhân vật Arthur Fleck, gã hề mắc chứng bệnh liên quan tới tâm thần, vốn có những ước mơ bình dị nhưng bị cả xã hội ruồng bỏ. Cái tăm tối và sự mục ruỗng vốn có của nơi đây đã buộc Arthur phải biến thành một con người khác. Đó chính là Joker.

Arthur Fleck – nhân vật chính của phim, là một người đàn ông trung niên sống cùng mẹ trong căn hộ chung cư tồi tàn nơi Gotham xám xịt. Arthur vốn hiền lành, hằng ngày làm công việc hóa trang thành chú hề để mua vui cho mọi người, đây cũng là công việc mà anh yêu thích. Cuộc sống của Arthur cứ đều đặn như một vòng lặp: làm việc, lấy thuốc trợ cấp, trở về nhà chăm sóc người mẹ già. Sâu trong Arthur chất chứa những khát khao bình dị như bao kẻ nghèo hèn khác ở Gotham về cuộc sống tốt hơn và đặc biệt là tình thương, tình người. Tưởng chừng cuộc đời Arthur sẽ êm đẹp hay “ở hiền gặp lành”, nhưng không, một loạt những tấn bi kịch kéo nhau trút xuống đầu anh khiến cuộc sống trầm lặng ấy được phen dậy sóng điên đảo. 
Gã hề bị xã hội ruồng bỏ
Arthur vốn hiền lành là thế, luôn mong muốn mang tiếng cười đến cho mọi người bằng công việc hóa trang thành chú hề mua vui ở nhiều nơi. Thế nhưng căn bệnh kỳ quái khiến anh bật cười không kiểm soát mỗi khi căng thẳng dường như trở thành một bức rào chắn vô hình, một cái cớ “chính đáng” để mọi người xa lánh anh. 
Căn bệnh ấy đã biến Arthur trở thành một kẻ lập dị trong mắt đồng nghiệp, một kẻ bệnh hoạn trong mắt mọi người tại Gotham. Arthur “hiển nhiên” bị đám trẻ trong thành phố bắt nạt khi đang làm việc; bị một người phụ nữ trên tàu điện tỏ thái độ khó chịu và yêu cầu anh đừng làm phiền con trai cô dẫu cho anh chỉ muốn đùa với thằng bé, và thậm chí khi biết căn bệnh của anh thái độ ấy vẫn không thay đổi. Arthur bị sếp quở trách vô cớ và không nghe anh giải thích; bị chơi xấu vì đã trót tin vào “sự quan tâm” của người đồng nghiệp. Tất cả đều không ai lắng nghe anh. Thậm chí ngay cả người làm ở văn phòng Công tác xã hội - nơi ngày ngày Arthur đến để “trút tâm sự” và lấy thuốc, dường như là người mà Arthur có thể chia sẻ phần nào những suy nghĩ trong anh, là nơi bám víu duy nhất đối với những bệnh nhân tâm thần như Arthur cũng chỉ nghe anh nói để hoàn thành nghĩa vụ. Thực chất không có một sự lắng nghe nào ở đây cả. Arthur cứ đến và ngồi nghe những câu hỏi giống nhau đều đặn hằng tuần. Sau cùng chính Arthur là người phải hét lên: “Chị chưa bao giờ thực sự lắng nghe tôi cả”. Arthur như bị cả xã hội bài xích, anh tồn tại như một bóng ma của Gotham u tối.
Một người tốt muốn sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng nhưng thật đáng thương, xã hội Gotham không cho phép Arthur làm điều ấy. Chính cái thối nát của Gotham bấy giờ với sự phân biệt giàu nghèo; những người nghèo bị lãng quên, mất đi tiếng nói; mọi người đều vô cảm, thường xuyên xảy ra đánh nhau cùng những vấn nạn xã hội về tội phạm kéo dài đã đè nén, ảnh hưởng và gieo xuống cho tầng lớp người nghèo như Arthur vô vàn điều bất công. Cuộc sống nơi đây quả thực là khốn khổ đối với những người nghèo, còn đối với Arthur nó chẳng khác gì một cơn ác mộng. 
Nghèo khổ, tâm thần, tất cả như bám lấy cuộc đời Arthur không rứt, chúng đẩy anh ra rìa của xã hội. Sống một cuộc sống ấy, trong xã hội ấy, Arthur nhận ra lương thiện là thứ vô dụng, thứ anh cần không phải là nó mà là một thứ khác.
Kẻ cô đơn bị tình thương chối bỏ
Khi xã hội đầy rẫy những bất công như thế, có lẽ gia đình là chỗ dựa tinh thần còn lại đối với Arthur? Arthur vẫn luôn có khao khát về tình thương, tình yêu như bao người khác. Anh khát khao có một người cha luôn tự hào về anh đến nỗi khi xem chương trình Live with Murray Franklin, Arthur đã tưởng tượng mình có mặt trong trường quay và được Murray - thần tượng của anh, mời lên sân khấu trao nhau cái ôm ấm áp. Arthur cũng đã tìm gặp Thomas Wayne - ứng viên cho chiếc ghế thị trưởng của Gotham, để “nhận cha” theo những lời mà mẹ anh nói. Nhưng tất cả chỉ là dối trá, những gì Arthur nhận lại là cú đấm trực diện vào mặt của Wayne dành cho anh để cảnh cáo vì đã làm phiền con mình. Arthur cũng mong ước có được một tình yêu giản dị với cô nàng ở căn hộ kế bên. Anh cũng đã tưởng tượng ra những buổi hẹn hò lãng mạn với cô, cùng cô nói chuyện vui vẻ và cô cũng ở bên Arthur những lúc anh khó khăn.
 Nhưng tất cả chỉ là ảo mộng. Những khao khát ấy đau đớn thay chỉ là những điều sinh ra trong tâm trí hoang tưởng của Arthur. Anh đã tự tạo ra nó và tự tận hưởng nó. Một con người thiếu thốn tình thương, khao khát tình người nhưng chỉ có thể tận hưởng những giây phút hạnh phúc ấy trong ảo giác do chính mình tạo ra. Bởi thực tại chỉ đem đến cho Arthur niềm đau và những sự bất công. Nơi anh tìm thấy sự ấm áp an ủi phần nào cho bản thân chính là trong bộ não tâm thần của mình.
Khao khát tình thương là như vậy nhưng cuộc đời nào cho Arthur một cơ hội để được yêu thương. Có lẽ chỉ còn mẹ anh - Penny Fleck - là người dành cho Arthur tình thương? Người mẹ già mà anh hết mực chăm sóc luôn dạy anh phải mỉm cười mọi lúc, người duy nhất hiểu cho căn bệnh của anh, người vẫn luôn bám víu, hy vọng vào “sự giúp đỡ” của Thomas Wayne với những bức thư gửi đi trong vô vọng. Với Arthur, bà là người duy nhất yêu thương anh và anh cũng hết mực thương yêu bà. Nhưng điều tồi tệ nhất đã xảy đến với Arthur khi anh biết được sự thật: anh là con nuôi. Thế giới trong Arthur sụp đổ hoàn toàn. Người mẹ mà anh hết mực yêu thương, chăm sóc thực chất không cùng huyết thống với mình. Và tồi tệ hơn cả, đau đớn hơn cả khi Arthur biết căn bệnh mình mắc phải khiến anh bị cả xã hội ruồng bỏ lại được gây ra bởi chính bà. Bạo hành, ngược đãi là những gì Arthur phải hứng chịu khi còn nhỏ bởi người bạn trai của bà. Do mắc chứng bệnh hoang tưởng tự ái kỷ mà Penny cứ mặc định rằng Arthur chính là con trai giữa cô và Thomas Wayne. Trong khoảnh khắc sự thật đầy đau thương được Arthur khám phá ra, anh gần như đã “chết”.
Giấc mơ bị cười nhạo
Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có những đam mê, những giấc mơ riêng để theo đuổi. Arthur cũng vậy. Giấc mơ được trở thành diễn viên hài độc thoại, được đứng trong ánh đèn sân khấu nhỏ nhoi. Nhưng lại thêm một lần đau đớn thay khi giấc mơ nhỏ ấy bị chính thần tượng của anh - Murray - cười nhạo trên sóng truyền hình.
Khi tâm trí Arthur đang điên đảo, mệt mỏi chăm sóc người mẹ già đang nằm viện vì đột quỵ, anh vô tình thấy đoạn video mình diễn hài độc thoại trên sân khấu tại một quán bar nhỏ đang được lên sóng. “Oh my god”, Arthur đã thốt lên sửng sốt khi thấy cảnh tượng đó. Thần tượng Murray Franklin trong anh sụp đổ, bấy giờ, trong mắt Arthur chỉ còn lại một Murray đáng khinh, một Murray thuộc tầng lớp những kẻ giàu đang chà đạp, cười nhạo giấc mơ của người khác và lấy đó làm trò tiêu khiển. 
Đáng thương làm sao cho một gã hề tâm thần bị xã hội ruồng bỏ, bị xa lánh, thiếu thốn tình cảm, sống một cuộc đời đầy dối trá với người mẹ nuôi mắc bệnh hoang tưởng. Tưởng chừng giấc mơ nhỏ bé kia là chỗ bám víu, là lí do để Arthur tiếp tục tồn tại trong cái xã hội đồi bại này thế nhưng cái giấc mơ đó chỉ là một trò cười trong mắt mọi người không hơn không kém. 
Tình người, tình thương, đam mê, tất cả mọi thứ của Arthur đều bị xã hội Gotham lạnh nhạt quay lưng. Còn gì có thể níu kéo Arthur sống bây giờ? Phải chăng đó là những thù hận với xã hội này?
“Joker” xuất hiện
Đời không cho Arthur lương thiện. Anh muốn là một người hiền lành như cái anh vốn có, sống một cuộc sống khấm khá hơn trong tình thương giữa người với người, làm công việc mình thích và mãi được hạnh phúc như chính cái tên “Happy” mà mẹ gọi anh mỗi lúc ở nhà. Nhưng những bi kịch không ngừng đến, mỗi lần đến chúng lại mang theo bao đau thương. Cuộc đời Arthur vốn đã “khốn nạn” khi mang trong mình căn bệnh tâm thần quái đản khiến anh bị mọi người ruồng bỏ, bi kịch hơn cái căn bệnh khốn kiếp ấy lại do chính người mẹ của anh gây ra. Tất cả những điều tồi tệ ấy cùng xã hội Gotham thối nát đã nhào nặn ra một “Arthur” mới: Joker.
Không phải ngẫu nhiên mà Arthur “biến thành” Joker. Sâu trong con người khốn khổ ấy dường như vẫn luôn tồn tại một “con người thứ hai”. Một điều đặc biệt là Arthur thuận tay phải nhưng khi viết những dòng chữ đầy ám ảnh như: “The worst part about having a mental illness is people expect you to behave as if you don’t” (Điều tồi tệ nhất khi mắc bệnh tâm thần là mọi người muốn bạn cư xử như thể bạn không mắc bệnh) hay đặc biệt hơn khi Arthur sử dụng súng, anh đều dùng tay trái. Tại sao một người vốn hiền lành như Arthur lại có thể sử dụng súng bằng tay trái và bắn một cách chính xác như vậy? Đây có lẽ là bằng chứng rõ nhất chứng tỏ: bên trong Arthur đã luôn tồn tại một “Arthur” khác hay chính là Joker. 
Những tấn bi kịch lần lượt đổ xuống đầu Arthur cùng sự đối đãi bất công của xã hội như những mồi lửa thổi bùng lên thù hận trong anh, là chất xúc tác khiến Arthur phải thay đổi bản thân. Hành động giết 3 tên nhà giàu trên tàu điện ngầm là phát súng đầu tiên đánh dấu “sự chuyển mình” thành Joker của Arthur. Từ sự kiện đó Arthur nhận thấy xã hội đã bắt đầu chú ý đến sự tồn tại của mình. Thêm vào vụ việc bị Murray phát video của anh trên sóng truyền hình đã khiến hận thù trong lòng anh lên cao đỉnh điểm, trong khoảnh khắc, Arthur đã biết thứ mà anh muốn là gì.
Và, hành động giết Randall - người đồng nghiệp đã chơi xấu anh - như khẳng định rằng “Arthur” đã chết, giờ chỉ còn lại một “Joker” đầy thù hận. Arthur tha mạng cho Garry - người duy nhất từng đối xử tử tế với anh là lúc Arthur từ bỏ phần lương thiện vô dụng cuối cùng của mình. Anh đã nhận ra thứ mình cần trở thành trong xã hội này.
Vâng, vậy là một Arthur lương thiện ngày nào đã từng bước biến thân thành Joker và mục đích sống của anh bây giờ không còn gì ngoài thù hận. Điều thú vị khi Arthur trở thành Joker là màu phim và nhạc phim cũng thay đổi theo. Khi còn là Arthur với cuộc sống lặng lẽ, màu phim thật xám xịt, u tối với tiếng nhạc trầm buồn ám ảnh. Nhưng khi trở thành Joker, màu phim như bừng sáng trên nền nhạc vui nhộn. Arthur vừa đi vừa nhún nhảy xuống những bậc cầu thang một cách nhẹ nhàng, vui vẻ khác hẳn với dáng vẻ nặng nề, mệt mỏi khi leo những bậc cầu thang xuất hiện ở đầu phim. Phải chăng việc cố gắng sống trong một xã hội mà sự tồn tại của mình bị chối bỏ, cố tồn tại trong cuộc sống nghèo khổ thật khó khăn còn việc trở thành kẻ xấu thì lại thật dễ dàng? 
Arthur đã tìm thấy cho mình một việc cần làm để “cái chết của mình có ý nghĩa hơn cuộc đời mình” đúng như những gì anh đã hy vọng. Đó chính là bắn chết Murray. Trong anh lúc này tràn đầy thù hận của một Joker độc ác. Hành động Arthur vứt bỏ mặt nạ hóa trang Joker sau khi rời tàu điện ngầm chứng tỏ anh không cần lớp hóa trang vô nghĩa ấy nữa bởi anh giờ đây chính là Joker. Và anh đang trên đường tiến tới “công lý” của riêng mình.
Cuối cùng thì Arthur cũng đã biết được thứ mình cần và hoàn thành nó một cách “xuất sắc”. Anh đã chọn sự chết chóc để giải thoát cho tất cả. Arthur giết 3 tên nhà giàu để tự vệ, giết chết Penny, đâm chết Randall, bắn chết Murray ngay trên sóng truyền hình sau khi thú tội. Hành động của Arthur đã gián tiếp gây ra cái chết của vợ chồng Thomas Wayne và khiến cho Bruce - con trai Wayne - lâm vào cảnh mồ côi. Nghĩ về nó, Arthur bấy giờ mới bật cười thực sự. Trước kia tiếng cười của anh một là do căn bệnh quái đản gây ra với những tràng cười không kiểm soát đầy ám ảnh, hai là tiếng cười vô hồn để hòa nhập với cộng đồng khi họ bật cười. Đây là lần duy nhất và cuối cùng mà Arthur cười một cách thực sự trong phim. Tiếng cười ấy có phải do anh nghĩ một “Arthur” khác vừa được sinh ra? 
Joker không hẳn là một siêu phẩm để đời nhưng nếu là một fan của dòng phim tâm lý tội phạm và hâm mộ “Clown Prince of Crime” - Hoàng tử Hề giới tội phạm, thì Joker sẽ là một lựa chọn đúng đắn. Thành công của bộ phim còn nằm ở diễn xuất xuất sắc của Joaquin Phoenix, kết hợp với nhạc phim gây ám ảnh không nhẹ tới người xem, để lại cái gì đó rất riêng của một Joker khác biệt. Phim khép lại nhưng vẫn để lại nhiều tranh cãi về tốt, xấu, bên nào đúng, bên nào sai? Bộ phim kết thúc mà vẫn để lại những tranh cãi không hồi kết, đây có phải điều mà Todd Phillips và Joaquin Phoenix mong mỏi? Người xem sẽ có những suy nghĩ và cách nhìn khác nhau cho Joker. 
Sỹ Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Marriage Story (2019) - Câu chuyện hôn nhân

Marriage Story là câu chuyện hôn nhân đã đi đến hồi kết của hai người chẳng còn sự đồng điệu như họ đã từng. Bộ phim chiếm trọn cảm tình c...