Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

NHỮNG NHÂN VẬT LƯỜI BIẾNG TRÊN MÀN ẢNH: TỘI ĐỒ HAY CHỈ LÀ NHỮNG KẺ ĐÁNG THƯƠNG?

 Nếu như xem phim là đời, thì cuộc đời đó tồn tại rất nhiều kiểu người khác nhau. Có người xấu, có người tốt, có người nghịch ngợm, có người chăm chỉ và cũng có kẻ.. lười chảy thây. Lười biếng là tính xấu, thế nhưng với nhiều nhà làm phim, có nhiều câu chuyện đằng sau sự lười biếng chứ không hẳn là một điều đáng trách


Con người chúng ta ai cũng có lúc lười biếng. Đôi khi chỉ là cơn biếng lười không muốn hoàn thành ngay việc gì đó mà tặc lưỡi để "kệ lúc khác làm". Những cũng có khi, sự lười biếng lại trở thành một bệnh dịch và chúng ta chẳng muốn làm gì nữa. Rất nhiều bộ phim điện ảnh kì công gây dựng nên những nhân vật như vậy - những kẻ lười đến tột độ, mà mỗi người lại mang một câu chuyện đằng sau sự lười biếng của họ. Những câu chuyện ấy cho khán giả những cái nhìn sâu sắc hơn về căn bệnh "mãn tính" của con người: không hề đáng trách mà trái lại, đau lòng đến tan hoang.


Kẻ anh hùng lười nhất thế gian

 

"The Big Lebowski" (1998) là bộ phim nổi tiếng nhất về sự lười biếng. Bộ phim mở đầu bằng giọng của người kể chuyện, mở ra không gian vùng Los Angeles giàu có vào những năm 90. Đó là câu chuyện về một gã tự gọi mình là "The Dude". Giọng nói trầm ngâm đó kể cho ta về một kẻ "đại diện cho thời đại này, và không một ai phù hợp hơn cho thời đại này, cho vùng đất này, ngoài hắn". Ta những tưởng nhân vật chính mà phim nhắc đến sẽ là một người anh hùng với những phẩm chất tốt, hoặc ít ra thì cũng là một người tốt bụng, một nhân vật chính diện. Thế nhưng trái với kì vọng, The Dude lại là một gã lười chảy thây, chẳng thiết tha gì đến chuyện đi làm kiếm sống.

 

 

Ngày ngày, gã dành phần lớn thời gian cho bowling, đến cuối ngày thì nằm lăn ra sàn nhà nghe nhạc rồi ngủ thiếp đi. Điều kì lạ là dường như bowling không phải điều gì to tát như đam mê hay lý tưởng sống của đời The Dude. Gã chơi như thể để có việc mà làm. Kì lạ hơn là mặc cho cuộc đời diễn ra như vậy, The Dude chưa một lần thấy chán nản hoặc phải tự vấn bản thân. Gã hành xử như thể đây chính là cuộc đời mình mong muốn, và không gì có thể làm gã hạnh phúc hơn.

 

"The Big Lebowski" không tập trung vào làm sáng tỏ về lý do cho tính cách kì là của The Dude mà tập trung vào khai thác mâu thuẫn giữa các nhân vật ở hiện tại. Thế nhưng, nếu để ý kĩ từ những cuộc hội thoại của nhân vật, khán giả sẽ phần nào đoán ra được điều gì làm nên con người The Dude. Gã thuộc về thế hệ Baby Boomer của Mỹ - thế hệ sinh từ năm 1946 -1964 và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cuộc chiến tranh Việt Nam. The Dude từng có một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết tham gia vào những phong trào vận động phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Những cuộc biểu tình vào thời kì này thường không đi đến đâu cả, và hẳn chính sự kết thúc của phong trào này đã góp phần định hình nên con người lười nhất thế gian này.

 

The Dude không thèm để tâm gì về xã hội, miễn là những người xung quanh để yên cho gã sống đời mình. Thế nhưng, trong một tối trở về nhà, The Dude bị những kẻ lạ mặt tấn công và cướp đi tấm thảm phòng khách của gã. Không chấp nhận sự bất công này, The Dude quyết tâm đi đòi lại tấm thảm. Cái tinh thần không chấp nhận bất công mà chắc hẳn được tôi luyện từ những lý tưởng sống thời trẻ, cộng với tính cách lười biếng lập dị, vô trách nhiệm đã làm nên một trong những cuộc phiêu lưu kì lạ nhất trên màn ảnh. Và điều làm nên ý nghĩa của bộ phim không phải một thông điệp đẹp đẽ nào cả, mà lại nằm ở  việc sự lười biếng vẫn ở yên đó không hề thay đổi, thậm chí còn là một sự lười biếng cao cả vô cùng.

 

Một nhân loại lười biếng

Trong "Wall -E" - bộ phim hoạt hình tuổi thơ của rất nhiều người, sự lười biếng không phải vấn đề của một hai người, mà nó là câu chuyện của toàn bộ nhân loại. Lấy bối cảnh tương lai, "Wall - E" giả định về một tương lai mà Trái đất không còn sự sống vì bị con người khai thác đến kiệt quệ. Con người giờ đây sống trôi dạt trên tàu vũ trụ, được phục vụ đầy đủ bởi các robot và ngập trong sự thừa mứa vật chất. Vì quá tiện nghi như vậy, nhân loại không còn ai thiết tha đến vận động, đi lại mà chỉ di chuyển bằng xe điện khiến ai ai cũng trở nên béo phì.

 


Nhưng đáng buồn thay, béo phì vẫn không phải là hậu quả nặng nề nhất của sự lười biếng. Khi được sống trong sự sung túc, con người cũng dần quên đi nguồn cội của mình, quên đi mình cũng từng sống cùng với thiên nhiên, từng là một phần của thiên nhiên cây cỏ. Khi mất đi sự liên kết với nguồn cội, con người cũng mất đi sự kết nối với chính bản thân mình và những người xung quanh. "Wall - E" mở ra cho khán giả một góc nhìn về sự mất kết nối đó. Con người khi ấy trở nên quá lười biếng để tìm lại sự kết nối cho bản thân mình, thậm chí còn quá lười biếng để đặt ra câu hỏi cho bản thân về sự mất kết nối đó. Cuối cùng, thật hài hước mà cũng thật cay đắng, sự kết nối ấy lại được người máy Wall - E tìm lại.

 

Wall-E cũng đập tan đi ảo mộng về sự vĩ đại của con người. Những phát minh vĩ đại tưởng chừng sẽ cải thiện cuộc sống của con người không làm chúng ta trở nên vĩ đại. Thậm chí, chúng ta còn biến thành những tội đồ đem đánh đổi quê hương, nguồn cội để đổi lấy việc được thoải mái lười biếng mà không hay biết rằng chính sự lười biếng đó sẽ giết chết chúng ta.

 

Căn bệnh của xã hội hiện đại

Nếu hai bộ phim trên khắc họa về sự lười biếng của con người vào thời kì quá khứ và tương lai, thì "Burning" (2018) lại khắc họa về sự lười biếng của thời hiện đại ngày nay. Bộ phim đặt ba nhân vật chính vào trong lòng xã hội Hàn Quốc hiện đại, mỗi nhân vật lại có hoàn cảnh sống khác biệt hoàn toàn: một Hae mi nghèo khó nhưng luôn mơ ước về những chuyến đi xa, một Jong su khao khát trở thành nhà văn nhưng không quyết tâm thực hiện ước mơ đó và một cậu chàng nhà giàu Ben được sống trong dư dả vật chất nhưng lúc nào cũng chán chường thực tại xung quanh mình. Cả ba đều là những người trẻ, đều loay hoay với những câu hỏi không lời giải đáp về ý nghĩa của cuộc đời, về vị trí của họ trong một xã hội đang phát triển đến đảo điên.


 

Họ mang trong mình cảm giác như thiêu đốt không thể lý giải nổi. Càng cố gắng chạy thoát khỏi cảm giác đấy, cả ba càng nhận ra họ chỉ đứng yên một chỗ. Đây liệu có phải nỗi niềm chung của những người trẻ đang sống nơi phố thị: luôn bị dằn vặt bởi cảm giác phải làm điều gì đó, nhưng thực tế dù có cố gắng đến đâu chúng ta vẫn luôn dậm chân tại chỗ? Chúng ta cố gắng đến phát điên bên trong một dáng vẻ lười biếng bình thản. Chúng ta như những con vịt tỏ vẻ bình yên, nhưng bên dưới mặt nước đang đạp chân điên cuồng. Ta cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng trong cuộc đời để rồi tự hỏi có tồn tại một chỗ đứng như vậy không, khi mà thời gian cứ trôi đi như thiêu đốt, đem đi cả tuổi trẻ, cả khát vọng, chẳng để lại gì ngoài sự lười biếng mãi mãi vẫn còn nguyên.


                                                                                                                                        Đức Minh

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

POSTER PHIM VÀ NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN ĐÃ BỎ QUA

  

 Trong con mắt của đa số khán giả điện ảnh, những tấm poster thường chỉ có hai tác dụng chính. Đầu tiên và quan trọng nhất, poster là hình thức để quảng bá cho phim, để những khán giả ra rạp có thể cân nhắc có nên bỏ tiền mua vé xem phim hay không thông qua thông tin giới thiệu được in trên poster (đa phần là tên diễn viên, đạo diễn hay nhà sản xuất). Với số ít khán giả điện ảnh khác, họ sưu tầm poster của những tác phẩm kinh điển như một sở thích và treo nó lên tường phòng riêng. Nhìn chung, những tấm poster chỉ chiếm một ví trí khá mờ nhạt trong lòng khán giả. Chúng ta thường tập trung phân tích bộ phim hay đôi khi là trailer, teaser của phim mà ít khi quan tâm đến poster, bỏ quên rằng những tấm poster kia thực ra cũng có đời sống riêng, câu chuyện riêng mời gọi chúng ta đến khám phá. Chính những gì mà chúng ta bỏ quên ấy, đôi khi lại có thể khơi gợi ra dạt dào xúc cảm, chẳng kém gì bản thâm bộ phim.



 Lịch sử phát triển của poster phim cũng phức tạp và thú vị chẳng kém gì lịch sử điện ảnh. Ở mỗi thời đại, mỗi địa điểm, poster lại được thiết kế theo những cách vô cùng khác biệt. Chẳng hạn, vào thời kì đầu của thế kỉ 20, những tấm poster ở Châu Âu được cho là chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Lập Thể, Chủ nghĩa Siêu Thực, Tân nghệ thuật,.. Ở Ba Lan, ta có thể nhìn rõ những tác động của Chủ nghĩa cộng sản tới thiết kế của poster phim: poster bộ phim lãng mạn Casablanca là hình ảnh lá cờ nước Pháp với khẩu súng được đặt ở vị trí trung tâm; còn poster của Cabaret, một bộ phim nhạc kịch Mỹ, lại sử dụng biểu tượng của Đức Quốc Xã thay vì hình ảnh nữ diễn viên như poster gốc. 


Poster của "Carabet" tại Ba Lan

Phiên bản tại Ba Lan của phim hành động "Rocky"

Nói thêm một chút về cách thiết kế poster ở Ba Lan vào thời kì này: Chúng đều được thiết kế khá đơn giản, không cầu kì chi tiết như những tấm poster quảng bá cho các bom tấn phòng vé được thiết kế khá "hầm hố" thời bấy giờ tại Mỹ. Một đặc điểm khác là những tấm poster này thường khá xa rời với câu chuyện của phim. Một nguyên tắc bất di bất dịch khi thiết kế poster là nó phải thu hút khán giả và nội dung cũng như bố cục cần được bố trí làm sao để có thể gợi lên nội dung chính của phim, từ đó nhằm lôi kéo khán giả đến rạp. Bởi vậy, cách thiết kế poster ở Ba Lan trái lại còn xa rời hoàn toàn với bộ phim khi chỉ tập trung đến những chi tiết góc cạnh không mấy quan trọng. 

Chẳng hạn, Casablanca là bộ phim kể câu chuyện tình bi thương nơi thành phố Casblanca những ngày chiến tranh đang diễn ra căng thẳng. . Những yếu tố như khẩu súng, hay cờ Pháp mặc dù có xuất hiện trong phim, nhưng chúng không đóng vai trò trung tâm trong một bộ phim lãng mạn. Bởi vậy, có thể thấy yếu tố chính trị đã ảnh hưởng đến xu hướng thiết kế ở Ba Lan như thế nào.

 Tại kinh đô điện ảnh Hollywood, những tấm poster lại có những câu chuyện đa dạng hơn nhiều. Vào thời kì phim câm, poster là một phần không tách rời của trào lưu Tân nghệ thuật đang nổi lên từ cuối thế kỉ XIX. Sang đến thời kì hoàng kim của Hollywood, cách thiết kế poster đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và gợi mở hơn. Cũng chính từ khoảng thời gian này, ta được chứng kiến nhiều phong cách và trào lưu sáng tạo thậm chí còn ảnh hưởng đến tận ngày hôm nay. Thế nhưng, có một điều mà chúng ta không còn thấy nữa, đó là những tấm poster được vẽ tay hoàn toàn. Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, người ta chỉ còn làm poster dưới dạng kĩ thuật số. Thế nhưng đã có một thời gian dài, những tấm poster được vẽ tay từng cực kì thịnh hành .Nếu chiêm ngưỡng kĩ hơn phần nhiều trong số ấy, ta có thể xem chúng như những tác phẩm nghệ thuật thực thụ; bởi lẽ các tác phẩm đó không chỉ thỏa mãn đầy đủ những tiêu chí cần có của một poster chất lượng, quan trọng hơn, chúng được người nghệ sĩ thổi cái tôi cá nhân của mình vào để làm nên những tác phẩm độc nhất vô nhị.

 Để đi tìm một người xuất sắc nhắc trong lĩnh vực thiết kế poster, thì Saul Bass chắc chắn là cái tên xuất hiện đầu tiên. Ông là nhà làm phim từng đoạt giải Oscar, nhà thiết kế đồ họa, poster phim nổi tiếng bậc nhất Hollywood. Trong suốt sự nghiệp hơn 40 năm của mình, Saul Bass đã thiết kế poster cho hàng loạt các nhà làm phim vĩ đại như: Alfred Hitchcock, Otto Preminger, Billy Wilder, Stanley Kubrick và Martin Scorsese,.. Chúng ta có thể dễ dàng nắm được phong cách thiết kế đặc trưng của Saul Bass thông qua hàng loạt poster nổi tiếng mà ông từng thiết kế như: những nét vẽ tay rất riêng, những nét vẽ có phần méo mó vào thời kì đầu của sự nghiệp hay xu hướng thiết kế tối giản. Saul Bass thường chỉ sử dụng ba màu, trong đó tận dụng tối đa sự tương phản màu sắc nhằm thu hút thị giác của người xem.

 

Một số tác phẩm của Saul Bass
Nguồn: Mubi

 Trong tấm poster "Such Good Friend", một bộ phim lấy đề tài ngoại tình này, Saul Bass chọn khắc họa đôi chân ở vị trí nằm ở vị trí trung tấm của poster. Màu đen của đôi chân đối lập hoàn toàn với sắc đỏ của nền sẽ ngay lập tức hút người xem vào và khơi gợi tò mò về một câu chuyện tình mập mờ vụng trộm. Hình ảnh này một lần nữa, đối lập với tiêu đề phim "Such Good Friends" được đặt bên dưới cả về ngữ nghĩa, màu sắc lần vẽ mỏng manh của nét chữ so với đôi chân bên trên. Tất cả những điều này không chỉ ngay lập tức dẫn dặt người xem đến với câu chuyện của bộ phim, mà nó cũng thể hiện một góc nhìn rất riêng của người nghệ sĩ thiết kế ra tấm poster.

  Một ví dụ khác là tấm poster của một trong những bộ phim kinh dị nổi tiếng nhất mọi thời đại "The Shining". Trước khi tấm poster chính thức hoàn thành, Saul Bass đã thiết kế khoảng trên dưới 300 tấm poster, tất cả đều xuất sắc theo cách riêng của mình nhưng đều không đủ để làm hài lòng Stanley Kubrick. Có tấm thì "trông quá trừu tượng", có tấm thì "chữ viết khó nhìn", có tấm lại "tạo cảm giác như phim viễn tưởng",.. Stanley cần một tấm poster vừa tạo được tò mò cho người xem, vừa toát ra được vẻ kinh dị ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và bản chính thức dưới đây đã đáp ứng tất cả tiêu chí ấy.

 


Ở đây một lần nữa, dòng tiêu đề phim và hình minh họa được đặt ở vị trí trung tâm của poster. Chữ "T" được vẽ to hơn hẳn, vừa để đủ diện tích cho gương mặt mấp mé bên trong (hình ảnh này liên tưởng đến một trong những cảnh quan trọng nhất của phim), vừa cho cảm giác giống như cây rìu (một chi tiết quan trọng khác trong phim). Việc chọn màu vàng làm nền cho poster cũng hoàn toàn là điều dễ hiểu, bởi đây là màu sắc đem lại hiệu ứng thị giác mạnh mẽ nhất.

 Nhìn chung, thiết kế ra một tấm poster chuẩn mực, chứa đựng đầy đủ những thông tin cần truyền tải để giới thiệu về bộ phim không phải một việc khó khăn. Thế nhưng làm thế nào để nâng tầm tấm áp phích đấy lên thành một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng đời sống và phong cách của riêng nó bên cạnh việc tóm tắt câu chuyện của bộ phim, thậm chí có thể đứng độc lập mà vẫn khiến người xem phải cảm thán thì không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ sáng tạo ra tấm poster ấy phải đem cả những trải nghiệm và nét độc đáo của riêng mình vào quá trình làm việc, hay như cách mà Saul Bass từng diễn tả về công việc của ông: "Tôi chỉ mong có một điều là những gì tôi thiết kế ra phải đẹp nhất có thể. Tôi chẳng quan tâm liệu người xem có hiểu những tấm poster của tôi hay không. Chỉ cần tôi thấy hài lòng là đủ. Và tôi cũng chỉ muốn sống đời mình theo cách ấy."

 

              Đức Minh

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

NƠI LÀN KHÓI TỎA: MỘT CÁI NHÌN VỀ CẢNH ÂN ÁI TRONG PHIM "PORTRAIT OF A LADY ON FIRE"

Cảnh báo spoil: Bài viết dưới đây có thể tiết lộ một số tình tiết trong phim. Nếu chưa xem phim, vui lòng cân nhắc trước khi đọc tiếp!

Phim LGBTQ có xu hướng gây ra những tranh luận về tính xác thực, nhất là đối với những cảnh tình dục: Nó có nên được tái hiện chính xác hay không? "Portrait of a Lady on Fire" (2019), bộ phim giành nhiều giải thưởng mới đây của đạo diễn - biên kịch người Pháp Céline Sciamma từ chối việc phải lựa chọn cho câu hỏi trên, thay vào đó đáp lại những tranh luận chính trị về LGBT một cách thú vị và tinh tế.

Sciamma nổi tiếng trong việc làm ra những bộ phim khiến người xem mở ra góc nhìn khác biệt về ham muốn. Ba bộ phim đầu tay  của cô gồm "Water Lilies" (2007), "Tom boy" (2011) và "Girlhood" (2014) đều tránh trần thuật về cuộc chiến "come-out" (công khai xu hướng tính dục). Thay vào đó, mỗi phim khai thác trải nghiệm mông lung và bối rối của các nhân vật LGBT trẻ tuổi khi họ đang phải vật lộn với thế giới đầy những điều gai góc lẫn kì lạ.

Phim mới nhất của Sciamma chuyển từ dòng phim về tuổi mới lớn sang bộ phim lãng mạn về những người đồng tính nữ trưởng thành. Đặt trong bối cảnh nước Pháp thế kỉ 18, "Portrait of a Lady on Fire" xoay quanh nàng họa sĩ Marianne (Noémie Merlant thủ vai) và việc vẽ bức chân dung của người mà sau đó khiến cô rơi vào lưới tình. Từ chối một cuộc hôn nhân xếp đặt, Héloïse (Adèle Haenel thủ vai) không chịu ngồi một chỗ để bất kì ai vẽ chân dung cô gửi tới "chồng sắp cưới". Marianne bề ngoài được thuê để làm người đồng hành và trông coi Heloise dạo bộ nhưng thực chất là để quan sát và vẽ cô một cách bí mật.


Qua những cảnh Mariane liếc nhìn một cách lén lút chủ thể cô cần vẽ, bộ phim đã thiết lập câu chuyện về ham muốn. Cái nhìn đáp lại của Heloise đã tạo nên mối tình của hai người phụ nữ.

Mật mã


Sự tái hiện gián tiếp những ham muốn của người đồng tính nữ trong phim Sciamma chịu ảnh hưởng nhiều của phim Hollywood cổ điển.

Khi mà nền công nghiệp điện ảnh cấm sự tái hiện chân xác những cảnh tình dục và những cái bị coi là đồi trụy theo như Bộ luật Sản xuất, nhà làm phim đáp lại bằng việc phát triển một hệ thống tinh tế hơn để tái hiện ham muốn và những cảnh ân ái. Một cái liếc nhìn, một cử chỉ, một lời thoại hay một đồ vật đều có thể truyền tải ẩn ý tính dục. Ý tứ đó chỉ có thể ngầm ẩn và gián tiếp, nếu không sẽ dễ dàng bị các nhà phát hành Hollywood từ chối trước sức ép cung cấp "giải trí lành mạnh".

Một bộ phim đồng tính độc lập "A song of love" (Jean Genet, Pháp, 1950) khai thác lịch sử mô phỏng bằng một phân cảnh gợi tình mà trong đó khói thuốc và việc hút thuốc đại diện cho những điều khác hơn.

Di sản của phim Hollywood cổ điển vẫn tồn tại, nhưng những giới hạn đã thay đổi. Giờ đây, câu hỏi không phải phim chính thống có thể đưa những cảnh lãng mạn đồng tính lên hình hay không, mà là chúng có thể đưa cảnh tình dục đồng tính lên hình hay không.

Bộ phim "Blue is the warmest colour" (2013) của đạo diễn Abdellatif Kechiche bị cho là xúc phạm người đồng tính nữ về cảnh quan hệ đồng tính  dường như quá phô phang và soi xét. Mặt khác, quyết định đưa ống kính di chuyển rụt rè ra cửa sổ thay vì thể hiện cảnh ân ái của đạo diễn Luca Guadagnino trong phim "Call me by your name" lại bị chê trách là thiếu sót bởi nhà phê bình D.A.Miller

Có thể bạn thấy, có thể bạn không


Sciamma từng bị chỉ trích không đủ dũng cảm vì không dám đưa những cảnh tình dục chân xác hơn lên phim của mình. Nhưng nhà làm phim khẳng định "Có cảnh tình dục, chỉ là nhiều khả năng bạn không nhìn thấy".

Khi đôi tình nhân nằm trên giường, Heloise rủ Marianne thử một loại thảo dược gây ảo giác - thứ hứa hẹn sẽ khiến thời gian ngưng đọng. Với một cánh tay giơ lên, Heloise lấy một chút thảo dược và bôi nó dọc nách. Cảnh phim cắt đột ngột và chuyển sang cận cảnh một sự thâm nhập. Ban đầu nó có vẻ khó hiểu, nhưng theo sự chuyển động của máy quay, ta nhận ra rằng: Ngón tay của Heloise được nách của Marianne ngậm chặt.

"Trò đùa thị giác" này chơi đùa trên khát khao muốn nhìn thấy cảnh tình dục, khát khao được đóng khung phong cách và thể loại phim.

Một trong những quy ước của phim lãng mạn về đồng tính nữ mà minh họa tiêu biểu nhất là tác phẩm kinh điển "Claire of the Moon" (1992) đó là khán giả sẽ dành hầu hết thời gian để xem những diễn biến dễ đoán, chờ đợi một cảnh sex bùng nổ. Bộ phim là sự hòa trộn giữa tự sự và gợi tình. Trong "Portrait of a Lady on Fire", hình ảnh về sex xuất hiện quá đột ngột giữa các cảnh phim và quá sớm trong mạch truyện, điều này phá vỡ tiêu chuẩn thông thường về loại thể.

Ở một mức độ khác, hình ảnh đó là một trong những cử chỉ điển hình của điện ảnh Hollywood cổ điển. Dường như những bộ phận cơ thể có nhiều hơn một ý nghĩa. Nhờ vậy mà hình dung về tình dục đi xa hơn. Thay vì gợi lên những khía cảnh lãng mạn của cảnh sex đồng tính nữ, nó bắt chước những cảnh phim quan hệ thật (cả đồng tính và dị tính) phổ biến trong dòng phim nghệ thuật từ những năm 1990.

Những cảnh tình dục chân thực chứ không phải mô phỏng tập trung vào sự cương cứng, thâm nhập và cực khoái, cố gắng làm cho những cảnh thân mật không chỉ được hiển thị mà còn chân thực.

Thay vì cố khẳng định tính chân thực của cảnh thân mật bằng những cách phổ biến, Sciamma đã đẩy sự chú ý đến sự quy ước, bản dạng giới và những lí tưởng mà nó đang cố gắng duy trì. Việc từ chối xem xét các phân cảnh trong phim Sciama như là cảnh sex thực có liên quan đến điểm mù văn hóa về tình dục: Đó là khi người ta cho rằng tình dục chỉ phát sinh tại một khu vực cụ thể trên cơ thể, luôn phải thâm nhập vào một vị trí cố định và phải lên đến cực khoái.

Sciamma ghi nhận và phản hồi vấn đề này băng cách đi theo hướng khác. Phân cảnh này đã làm gián đoạn dòng chảy kì vọng về một cảnh sex hiện hữu, khiêu gợi điển hình.

Bộ phim của Sciamma đã đẩy sự chú ý của người xem đến những quy ước điện ảnh để suy ngẫm về vấn đề cái gì được coi là tình dục. Trong một khoảng khắc ngắn ngủi bất thình lình, "Portrait of a Lady on Fire" đã chơi đùa với cách chúng ta nhìn nhận về tình dục giữa hai người phụ nữ.
Dịch: Đỗ Minh

***Vui lòng ghi đầy đủ nguồn khi trích dẫn.

Marriage Story (2019) - Câu chuyện hôn nhân

Marriage Story là câu chuyện hôn nhân đã đi đến hồi kết của hai người chẳng còn sự đồng điệu như họ đã từng. Bộ phim chiếm trọn cảm tình c...