Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

LITTLE WOMEN (2019): BẢN TÌNH CA CỦA NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ

“Little Women" giống như bản hòa tấu du dương nhẹ nhàng mà đưa bạn đi qua mọi cung bậc cảm xúc và biết đâu ở một ngóc ngách nào đó trên hành trình ấy, bạn sẽ tìm thấy được cho mình một điều kì diệu, một tình yêu khôn xiết dành cho cuộc đời và tiếc nuối chút gì đó cũng nên, rằng “Little Women” cũng xứng đáng Best Picture ấy chứ..



Những bộ phim lấy đề tài thân phận và quyền lợi của người phụ nữ đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây, nhất là kể từ sau sự bùng nổ của phong trào Me Too hồi 2017 và hàng loạt cáo buộc hành vị lạm dục tình dục đối với nhà sản xuất phim quyền lực Harvey Weinstein. Mặc cho những lời mỉa mai của một bộ phận khán giả điện ảnh về những bộ phim lấy đề tài này khi cho rằng cùng với đề tài “đồng tính”, “da màu”, “nữ quyền” chẳng qua chỉ có mục đích thu hút sự chú ý của dư luận và chiều lòng Viện Hàn Lâm; thì chúng ta không thể làm ngơ rằng vấn đề quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều những bất cập. Tập phim “Tại sao phụ nữ thường kiếm ít tiền hơn đàn ông” thuộc series phim tài liệu “Explained” đã chỉ ra rằng chỉ có hai quốc gia trên thế giới là Rwanda và Iceland có sự chênh lệch tiền lương giữa phụ nữ và đàn ông bằng 0, trong khi nhiều đất nước phát triển khác, mức chênh lệch cao đến khó tin ( phụ nữ Nhật Bản kiếm được 76 cen thì nam giới sẽ kiếm được một đo, còn với Hàn Quốc, phụ nữ chỉ kiếm được 61 cen so với nam). Phụ nữ vẫn đang phải đấu tranh cho sự bình đẳng, và hẳn sẽ còn một thời gian đấu tranh miệt mài trước khi tiệm cận được điều đó.


Sự bất bình đẳng nam nữ cũng phủ khắp mùa giải thường vừa rồi. Nữ diễn viên Rebel Wilson khi lên công bố giải đạo diễn xuất sắc nhất tại BAFTA đã đùa tếu táo rằng cô không làm được những điều phi thường như Sam Mendes, Quentin Tarentino, Martin Scorsese, Bong Joon-ho vì đơn giản là cô không có “bi”. Oscar cũng không khá khẩm hơn khi các nữ đạo diễn nổi bật nhất năm như Lorene Scafaria, Greta Gerwig, Lulu Wang, Marielle Heller, Melina Matsoukas và Céline Sciamma đều không được đề cử, và trong số đó chỉ duy nhất phim của Greta Gerwig là được đề cử cho “Phim truyện xuất sắc nhất”. 



Bộ phim “Little Women” của Greta Gerwig được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Louisa May Alcott - cuốn tiểu thuyết ra đời sau khi nội chiến Mỹ vừa kết thúc, thời điểm mà những cuốn tiểu thuyết có cốt truyện nhẹ nhàng với kết thúc viên mãn được các nhà xuất bản đề cao hơn nhằm đáp ứng thị hiếu của tầng lớp nhân dân vừa phải trải qua chiến tranh tàn khốc. Tuy nhiên cuốn tiểu thuyết cũng như bộ phim của Greta không vì thế mà hời hợt hay giáo điều sáo rỗng. Những câu chuyện, tâm tư của người phụ nữ trong một xã hội với đầy định kiện dành cho họ được truyền tải khéo léo trên nền một bức tranh đẹp đẽ mà ở đó, bốn người phụ nữ nhà March sáng lên vẻ đẹp bình dị nhưng đầy cảm hứng về lòng can đảm của những trái tim không ngừng tìm kiếm hạnh phúc cho mình. “Little Women" giống như bản hòa tấu du dương nhẹ nhàng mà đưa bạn đi qua mọi cung bậc cảm xúc và biết đâu ở một ngóc ngách nào đó trên hành trình ấy, bạn sẽ tìm thấy được cho mình một điều kì diệu, một tình yêu khôn xiết dành cho cuộc đời và tiếc nuối chút gì đó cũng nên, rằng “Little Women” cũng xứng đáng Best Picture ấy chứ..


Bốn chị em gái trong “Little Women” lớn lên trong một gia đình không dư giả về vật chật nhưng đủ đầy tình yêu thương và giáo dục từ cha mẹ và những người xung quanh. Mỗi chị em có một tính nết, không ai giống ai: Jo bản lĩnh, tự lập; Meg lại dịu dàng, đằm thắm; Amy cá tính và cạnh tranh còn em gái út Beth thì rụt rè và ngoan ngoãn nhất trong cả 4 chị em. Trưởng thành trong thời kì chiến tranh, lại phải sống cách xa người cha đang phục vụ nơi tiền tuyến nên cả bốn người đều rất tự lập để có thể làm chỗ dựa cho những thành viên khác trong gia đình. Trò chơi ưa thích của bốn cô là diễn những vở kịch do Jo sáng tác, mà đa phần là những vở kịch có bối cảnh chiến tranh, như một sự gửi gắm cho mong ước được cầm súng ra chiến trường chiến đấu cùng với cha của mình. Nhưng những người phụ nữ ấy dù mạnh mẽ đến đâu thì sâu bên trong cũng luôn mang cho mình phần nữ tính, cũng thích mê những bộ váy lộng lẫy, cũng mơ ước được đến những buổi khiêu vũ để gặp người trong mộng hay khóc hết nước mắt khi bỗng dưng phải cắt phăng đi mái tóc dài của mình.



“Little Women” được cắt dựng theo cấu trúc phi tuyến tính, với những cảnh hiện tại và quá khứ được đan xen hài hòa. Những cảnh hồi tưởng không cần những thủ pháp như zoom vào khuôn mặt nhân vật hay lời dẫn chuyện nhưng khán giả vẫn còn thể theo dõi một cách dễ dàng. Một phần, những cảnh quá khứ hiện lên với sắc màu vàng ấm áp, đối nghịch với cảm giác lạnh lẽo từ màu trắng của thực tại. Nhưng điều quan trọng hơn cả là những cảnh chuyển đổi đều đã được đạo diễn Greta Gerwig suy tính ngay từ trong kịch bản, sao cho mọi thứ được phối hợp với nhau một cách mượt mà nhất. Nhờ vậy, cảm xúc của nhân vật lẫn khán giả khi thưởng thức phim được điều chuyển liên tục và hợp lý, những thay đổi trong tính cách của nhân vật giữa hiện tại và quá khứ nhờ vậy càng làm tăng thêm tính thuyết phục của phim: quá khứ làm nền tảng cho hiện tại, hiện tại soi chiếu và phát triển từ quá khứ. Meg có thể luôn ước ao một cuộc sống giàu sang, nhưng cô cũng biết chấp nhận hoàn cảnh và hạnh phúc với tình yêu của mình. Amy dù luôn ghét việc phải làm “dự bị” cho Jo, nhưng vẫn mạnh mẽ nắm lấy hạnh phúc của mình mà không chút do dự.



Hơn nửa đầu của phim tạo cảm giác như “Little Women” chỉ là một bộ phim Hollywood tầm trung, bối cảnh dù đẹp, nhân vật dù được thể hiện hợp lý, không gượng gạo nhưng vẫn có chút gì đó “tầm thường” chứ không được như kì vọng về một bộ phim của Greta Gerwig - đạo diễn từng bội thu đề cử Oscar với “Lady Bird” năm nào.  Thế nhưng chỉ với một câu thoại của Jo trong phần gần cuối của phim, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Jo, từ một nhân vật có phần giống với cái loa phát thanh truyền tải triết lý “nữ quyền” khô cứng để trở thành một trong những nhân vật nữ đáng chú ý nhất trên màn ảnh trong năm qua và thậm chí đem lại cho Saoirse Ronan đề cử Oscar lần thứ tư trong sự nghiệp. Đó là khi Jo, người vừa giận dữ nói “Phụ nữ- họ có lý trí, có tâm hồn cũng giống như việc họ có một trái tim tràn đầy nhiệt huyết. Và phụ nữ cũng có những tham vọng, tài năng nhiều như vẻ đẹp của họ vậy. Con phát ốm với những lời nói rằng nghĩa vụ của phụ nữ chỉ là tình yêu“ bỗng bật khóc nghẹn ngào thốt lên rằng “Nhưng con cô đơn quá”. Câu thoại sau là một sáng tạo của Greta Gerwig. Cô cho rằng một người ở vào hoàn cảnh như Jo hẳn sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn và chính sự nhạy cảm, tinh tế này đã chạm đến trái tim của khán giả.




Có nhiều điều để nói về Greta Gerwig, cũng như những điểm tương đồng giữa vị đạo diễn tài năng với nhân vật chính trong bộ phim của cô. “Little Women” là cuốn tiểu thuyết yêu thích ngày bé của Greta, và khi tình cờ đọc lại nó vào năm cô 30 tuổi, cô nhận ra những cảm xúc mới mẻ hoàn toàn và điều này đã thôi thúc Greta làm bộ phim về nó. Trong một buổi phỏng vấn, Greta chia sẻ một số sáng tạo của cô như việc chọn một diễn viên đẹp trai vào vai anh chàng giáo sư thay vì tôn trọng miêu tả giáo sư là người nhìn đâu cũng không thấy nét đẹp ở trong bản gốc, hay một vài câu thoại mà Greta thêm vào cho nhân vật Jo March, tất cả là bởi đây là bộ phim của cô và cô muốn làm như vậy. Ta có thể cảm nhận ở Greta chút gì đó của tinh thần Làn sóng mới của Pháp, chút gì của Virginia Woolf, của Chekhov, hay những ảnh hưởng từ nhiều nhà là phim đi trước, nhưng không thể phủ nhận những mới mẻ và độc đáo mà Greta mang đến qua hai bộ phim của mình. Giống như Jo hay Amy, Greta không ngần ngại vượt lên khuôn khổ để được tự do làm những điều mình mong muốn. Những người phụ nữ của Greta chắc chắn sẽ là những người phụ nữ đáng xem nhất trên màn ảnh trong thời gian dài tới.


                                                                                                                                             Đức Minh


Joker (2019) - Bi kịch của một gã hề





Lấy bối cảnh thành phố giả tưởng Gotham những năm 80, bộ phim là câu chuyện xoay quanh nhân vật Arthur Fleck, gã hề mắc chứng bệnh liên quan tới tâm thần, vốn có những ước mơ bình dị nhưng bị cả xã hội ruồng bỏ. Cái tăm tối và sự mục ruỗng vốn có của nơi đây đã buộc Arthur phải biến thành một con người khác. Đó chính là Joker.

Arthur Fleck – nhân vật chính của phim, là một người đàn ông trung niên sống cùng mẹ trong căn hộ chung cư tồi tàn nơi Gotham xám xịt. Arthur vốn hiền lành, hằng ngày làm công việc hóa trang thành chú hề để mua vui cho mọi người, đây cũng là công việc mà anh yêu thích. Cuộc sống của Arthur cứ đều đặn như một vòng lặp: làm việc, lấy thuốc trợ cấp, trở về nhà chăm sóc người mẹ già. Sâu trong Arthur chất chứa những khát khao bình dị như bao kẻ nghèo hèn khác ở Gotham về cuộc sống tốt hơn và đặc biệt là tình thương, tình người. Tưởng chừng cuộc đời Arthur sẽ êm đẹp hay “ở hiền gặp lành”, nhưng không, một loạt những tấn bi kịch kéo nhau trút xuống đầu anh khiến cuộc sống trầm lặng ấy được phen dậy sóng điên đảo. 
Gã hề bị xã hội ruồng bỏ
Arthur vốn hiền lành là thế, luôn mong muốn mang tiếng cười đến cho mọi người bằng công việc hóa trang thành chú hề mua vui ở nhiều nơi. Thế nhưng căn bệnh kỳ quái khiến anh bật cười không kiểm soát mỗi khi căng thẳng dường như trở thành một bức rào chắn vô hình, một cái cớ “chính đáng” để mọi người xa lánh anh. 
Căn bệnh ấy đã biến Arthur trở thành một kẻ lập dị trong mắt đồng nghiệp, một kẻ bệnh hoạn trong mắt mọi người tại Gotham. Arthur “hiển nhiên” bị đám trẻ trong thành phố bắt nạt khi đang làm việc; bị một người phụ nữ trên tàu điện tỏ thái độ khó chịu và yêu cầu anh đừng làm phiền con trai cô dẫu cho anh chỉ muốn đùa với thằng bé, và thậm chí khi biết căn bệnh của anh thái độ ấy vẫn không thay đổi. Arthur bị sếp quở trách vô cớ và không nghe anh giải thích; bị chơi xấu vì đã trót tin vào “sự quan tâm” của người đồng nghiệp. Tất cả đều không ai lắng nghe anh. Thậm chí ngay cả người làm ở văn phòng Công tác xã hội - nơi ngày ngày Arthur đến để “trút tâm sự” và lấy thuốc, dường như là người mà Arthur có thể chia sẻ phần nào những suy nghĩ trong anh, là nơi bám víu duy nhất đối với những bệnh nhân tâm thần như Arthur cũng chỉ nghe anh nói để hoàn thành nghĩa vụ. Thực chất không có một sự lắng nghe nào ở đây cả. Arthur cứ đến và ngồi nghe những câu hỏi giống nhau đều đặn hằng tuần. Sau cùng chính Arthur là người phải hét lên: “Chị chưa bao giờ thực sự lắng nghe tôi cả”. Arthur như bị cả xã hội bài xích, anh tồn tại như một bóng ma của Gotham u tối.
Một người tốt muốn sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng nhưng thật đáng thương, xã hội Gotham không cho phép Arthur làm điều ấy. Chính cái thối nát của Gotham bấy giờ với sự phân biệt giàu nghèo; những người nghèo bị lãng quên, mất đi tiếng nói; mọi người đều vô cảm, thường xuyên xảy ra đánh nhau cùng những vấn nạn xã hội về tội phạm kéo dài đã đè nén, ảnh hưởng và gieo xuống cho tầng lớp người nghèo như Arthur vô vàn điều bất công. Cuộc sống nơi đây quả thực là khốn khổ đối với những người nghèo, còn đối với Arthur nó chẳng khác gì một cơn ác mộng. 
Nghèo khổ, tâm thần, tất cả như bám lấy cuộc đời Arthur không rứt, chúng đẩy anh ra rìa của xã hội. Sống một cuộc sống ấy, trong xã hội ấy, Arthur nhận ra lương thiện là thứ vô dụng, thứ anh cần không phải là nó mà là một thứ khác.
Kẻ cô đơn bị tình thương chối bỏ
Khi xã hội đầy rẫy những bất công như thế, có lẽ gia đình là chỗ dựa tinh thần còn lại đối với Arthur? Arthur vẫn luôn có khao khát về tình thương, tình yêu như bao người khác. Anh khát khao có một người cha luôn tự hào về anh đến nỗi khi xem chương trình Live with Murray Franklin, Arthur đã tưởng tượng mình có mặt trong trường quay và được Murray - thần tượng của anh, mời lên sân khấu trao nhau cái ôm ấm áp. Arthur cũng đã tìm gặp Thomas Wayne - ứng viên cho chiếc ghế thị trưởng của Gotham, để “nhận cha” theo những lời mà mẹ anh nói. Nhưng tất cả chỉ là dối trá, những gì Arthur nhận lại là cú đấm trực diện vào mặt của Wayne dành cho anh để cảnh cáo vì đã làm phiền con mình. Arthur cũng mong ước có được một tình yêu giản dị với cô nàng ở căn hộ kế bên. Anh cũng đã tưởng tượng ra những buổi hẹn hò lãng mạn với cô, cùng cô nói chuyện vui vẻ và cô cũng ở bên Arthur những lúc anh khó khăn.
 Nhưng tất cả chỉ là ảo mộng. Những khao khát ấy đau đớn thay chỉ là những điều sinh ra trong tâm trí hoang tưởng của Arthur. Anh đã tự tạo ra nó và tự tận hưởng nó. Một con người thiếu thốn tình thương, khao khát tình người nhưng chỉ có thể tận hưởng những giây phút hạnh phúc ấy trong ảo giác do chính mình tạo ra. Bởi thực tại chỉ đem đến cho Arthur niềm đau và những sự bất công. Nơi anh tìm thấy sự ấm áp an ủi phần nào cho bản thân chính là trong bộ não tâm thần của mình.
Khao khát tình thương là như vậy nhưng cuộc đời nào cho Arthur một cơ hội để được yêu thương. Có lẽ chỉ còn mẹ anh - Penny Fleck - là người dành cho Arthur tình thương? Người mẹ già mà anh hết mực chăm sóc luôn dạy anh phải mỉm cười mọi lúc, người duy nhất hiểu cho căn bệnh của anh, người vẫn luôn bám víu, hy vọng vào “sự giúp đỡ” của Thomas Wayne với những bức thư gửi đi trong vô vọng. Với Arthur, bà là người duy nhất yêu thương anh và anh cũng hết mực thương yêu bà. Nhưng điều tồi tệ nhất đã xảy đến với Arthur khi anh biết được sự thật: anh là con nuôi. Thế giới trong Arthur sụp đổ hoàn toàn. Người mẹ mà anh hết mực yêu thương, chăm sóc thực chất không cùng huyết thống với mình. Và tồi tệ hơn cả, đau đớn hơn cả khi Arthur biết căn bệnh mình mắc phải khiến anh bị cả xã hội ruồng bỏ lại được gây ra bởi chính bà. Bạo hành, ngược đãi là những gì Arthur phải hứng chịu khi còn nhỏ bởi người bạn trai của bà. Do mắc chứng bệnh hoang tưởng tự ái kỷ mà Penny cứ mặc định rằng Arthur chính là con trai giữa cô và Thomas Wayne. Trong khoảnh khắc sự thật đầy đau thương được Arthur khám phá ra, anh gần như đã “chết”.
Giấc mơ bị cười nhạo
Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có những đam mê, những giấc mơ riêng để theo đuổi. Arthur cũng vậy. Giấc mơ được trở thành diễn viên hài độc thoại, được đứng trong ánh đèn sân khấu nhỏ nhoi. Nhưng lại thêm một lần đau đớn thay khi giấc mơ nhỏ ấy bị chính thần tượng của anh - Murray - cười nhạo trên sóng truyền hình.
Khi tâm trí Arthur đang điên đảo, mệt mỏi chăm sóc người mẹ già đang nằm viện vì đột quỵ, anh vô tình thấy đoạn video mình diễn hài độc thoại trên sân khấu tại một quán bar nhỏ đang được lên sóng. “Oh my god”, Arthur đã thốt lên sửng sốt khi thấy cảnh tượng đó. Thần tượng Murray Franklin trong anh sụp đổ, bấy giờ, trong mắt Arthur chỉ còn lại một Murray đáng khinh, một Murray thuộc tầng lớp những kẻ giàu đang chà đạp, cười nhạo giấc mơ của người khác và lấy đó làm trò tiêu khiển. 
Đáng thương làm sao cho một gã hề tâm thần bị xã hội ruồng bỏ, bị xa lánh, thiếu thốn tình cảm, sống một cuộc đời đầy dối trá với người mẹ nuôi mắc bệnh hoang tưởng. Tưởng chừng giấc mơ nhỏ bé kia là chỗ bám víu, là lí do để Arthur tiếp tục tồn tại trong cái xã hội đồi bại này thế nhưng cái giấc mơ đó chỉ là một trò cười trong mắt mọi người không hơn không kém. 
Tình người, tình thương, đam mê, tất cả mọi thứ của Arthur đều bị xã hội Gotham lạnh nhạt quay lưng. Còn gì có thể níu kéo Arthur sống bây giờ? Phải chăng đó là những thù hận với xã hội này?
“Joker” xuất hiện
Đời không cho Arthur lương thiện. Anh muốn là một người hiền lành như cái anh vốn có, sống một cuộc sống khấm khá hơn trong tình thương giữa người với người, làm công việc mình thích và mãi được hạnh phúc như chính cái tên “Happy” mà mẹ gọi anh mỗi lúc ở nhà. Nhưng những bi kịch không ngừng đến, mỗi lần đến chúng lại mang theo bao đau thương. Cuộc đời Arthur vốn đã “khốn nạn” khi mang trong mình căn bệnh tâm thần quái đản khiến anh bị mọi người ruồng bỏ, bi kịch hơn cái căn bệnh khốn kiếp ấy lại do chính người mẹ của anh gây ra. Tất cả những điều tồi tệ ấy cùng xã hội Gotham thối nát đã nhào nặn ra một “Arthur” mới: Joker.
Không phải ngẫu nhiên mà Arthur “biến thành” Joker. Sâu trong con người khốn khổ ấy dường như vẫn luôn tồn tại một “con người thứ hai”. Một điều đặc biệt là Arthur thuận tay phải nhưng khi viết những dòng chữ đầy ám ảnh như: “The worst part about having a mental illness is people expect you to behave as if you don’t” (Điều tồi tệ nhất khi mắc bệnh tâm thần là mọi người muốn bạn cư xử như thể bạn không mắc bệnh) hay đặc biệt hơn khi Arthur sử dụng súng, anh đều dùng tay trái. Tại sao một người vốn hiền lành như Arthur lại có thể sử dụng súng bằng tay trái và bắn một cách chính xác như vậy? Đây có lẽ là bằng chứng rõ nhất chứng tỏ: bên trong Arthur đã luôn tồn tại một “Arthur” khác hay chính là Joker. 
Những tấn bi kịch lần lượt đổ xuống đầu Arthur cùng sự đối đãi bất công của xã hội như những mồi lửa thổi bùng lên thù hận trong anh, là chất xúc tác khiến Arthur phải thay đổi bản thân. Hành động giết 3 tên nhà giàu trên tàu điện ngầm là phát súng đầu tiên đánh dấu “sự chuyển mình” thành Joker của Arthur. Từ sự kiện đó Arthur nhận thấy xã hội đã bắt đầu chú ý đến sự tồn tại của mình. Thêm vào vụ việc bị Murray phát video của anh trên sóng truyền hình đã khiến hận thù trong lòng anh lên cao đỉnh điểm, trong khoảnh khắc, Arthur đã biết thứ mà anh muốn là gì.
Và, hành động giết Randall - người đồng nghiệp đã chơi xấu anh - như khẳng định rằng “Arthur” đã chết, giờ chỉ còn lại một “Joker” đầy thù hận. Arthur tha mạng cho Garry - người duy nhất từng đối xử tử tế với anh là lúc Arthur từ bỏ phần lương thiện vô dụng cuối cùng của mình. Anh đã nhận ra thứ mình cần trở thành trong xã hội này.
Vâng, vậy là một Arthur lương thiện ngày nào đã từng bước biến thân thành Joker và mục đích sống của anh bây giờ không còn gì ngoài thù hận. Điều thú vị khi Arthur trở thành Joker là màu phim và nhạc phim cũng thay đổi theo. Khi còn là Arthur với cuộc sống lặng lẽ, màu phim thật xám xịt, u tối với tiếng nhạc trầm buồn ám ảnh. Nhưng khi trở thành Joker, màu phim như bừng sáng trên nền nhạc vui nhộn. Arthur vừa đi vừa nhún nhảy xuống những bậc cầu thang một cách nhẹ nhàng, vui vẻ khác hẳn với dáng vẻ nặng nề, mệt mỏi khi leo những bậc cầu thang xuất hiện ở đầu phim. Phải chăng việc cố gắng sống trong một xã hội mà sự tồn tại của mình bị chối bỏ, cố tồn tại trong cuộc sống nghèo khổ thật khó khăn còn việc trở thành kẻ xấu thì lại thật dễ dàng? 
Arthur đã tìm thấy cho mình một việc cần làm để “cái chết của mình có ý nghĩa hơn cuộc đời mình” đúng như những gì anh đã hy vọng. Đó chính là bắn chết Murray. Trong anh lúc này tràn đầy thù hận của một Joker độc ác. Hành động Arthur vứt bỏ mặt nạ hóa trang Joker sau khi rời tàu điện ngầm chứng tỏ anh không cần lớp hóa trang vô nghĩa ấy nữa bởi anh giờ đây chính là Joker. Và anh đang trên đường tiến tới “công lý” của riêng mình.
Cuối cùng thì Arthur cũng đã biết được thứ mình cần và hoàn thành nó một cách “xuất sắc”. Anh đã chọn sự chết chóc để giải thoát cho tất cả. Arthur giết 3 tên nhà giàu để tự vệ, giết chết Penny, đâm chết Randall, bắn chết Murray ngay trên sóng truyền hình sau khi thú tội. Hành động của Arthur đã gián tiếp gây ra cái chết của vợ chồng Thomas Wayne và khiến cho Bruce - con trai Wayne - lâm vào cảnh mồ côi. Nghĩ về nó, Arthur bấy giờ mới bật cười thực sự. Trước kia tiếng cười của anh một là do căn bệnh quái đản gây ra với những tràng cười không kiểm soát đầy ám ảnh, hai là tiếng cười vô hồn để hòa nhập với cộng đồng khi họ bật cười. Đây là lần duy nhất và cuối cùng mà Arthur cười một cách thực sự trong phim. Tiếng cười ấy có phải do anh nghĩ một “Arthur” khác vừa được sinh ra? 
Joker không hẳn là một siêu phẩm để đời nhưng nếu là một fan của dòng phim tâm lý tội phạm và hâm mộ “Clown Prince of Crime” - Hoàng tử Hề giới tội phạm, thì Joker sẽ là một lựa chọn đúng đắn. Thành công của bộ phim còn nằm ở diễn xuất xuất sắc của Joaquin Phoenix, kết hợp với nhạc phim gây ám ảnh không nhẹ tới người xem, để lại cái gì đó rất riêng của một Joker khác biệt. Phim khép lại nhưng vẫn để lại nhiều tranh cãi về tốt, xấu, bên nào đúng, bên nào sai? Bộ phim kết thúc mà vẫn để lại những tranh cãi không hồi kết, đây có phải điều mà Todd Phillips và Joaquin Phoenix mong mỏi? Người xem sẽ có những suy nghĩ và cách nhìn khác nhau cho Joker. 
Sỹ Hiếu

Marriage Story (2019) - Câu chuyện hôn nhân


Marriage Story là câu chuyện hôn nhân đã đi đến hồi kết của hai người chẳng còn sự đồng điệu như họ đã từng. Bộ phim chiếm trọn cảm tình của người xem khi khắc họa chân thực cuộc hôn nhân rạn nứt, bế tắc, bất đồng mà rất nhiều con người ngoài kia đã hoặc đang trải qua hoặc từng được chứng kiến, để lại người ta day dứt với hàng loạt câu hỏi tại sao.
Bộ phim bắt đầu bằng khung cảnh gia đình hạnh phúc của hai vợ chồng Nicole (Scarlett Johansson) và Charlie (Adam Driver). Họ đang liệt kê ra một danh sách những điểm tốt của đối phương. Đối với Charlie, Nicole là người thực sự biết lắng nghe. Cô ấy là “một công dân tốt”, một người vợ, người mẹ đảm đang, thấu hiểu chồng con, có thể giải quyết mọi rắc rối trong gia đình, bên cạnh đó cô ấy cũng là một diễn viên tuyệt vời. Còn đối với Nicole, Charlie là người không dễ bị khuất phục, đầy tính cạnh tranh. Trong công việc anh không để ai lại phía sau, anh coi trọng ý kiến của tất cả mọi người, tất cả mọi người đều quan trọng, kể cả thực tập sinh. Đặc biệt, anh ấy có cái chất New York hơn bất kỳ người New York nào. Thế nhưng tất cả những dòng này đều ở trong một bức thư viết về cảm nghĩ của họ dành cho đối phương, một phần trong quá trình hòa giải trước khi họ ly hôn.
Phim lấy bối cảnh ở hai thành phố New York và Los Angeles. New York nổi tiếng với những sân khấu Broadway, là nơi Charlie có thể thỏa niềm đam mê, phô diễn và khẳng định tài năng của anh còn Los Angeles lại là nơi Hollywood hào nhoáng tọa lạc, nơi Nicole sinh ra, lớn lên và phát triển sự nghiệp diễn xuất. Hai người không thể thống nhất xem sẽ tiếp tục cuộc sống ở thành phố nào. Trong khi sự nghiệp của Charlie ngày càng lên như diều gặp gió thì Nicole lại đang cảm thấy bản thân mình chỉ như một cái bóng của Charlie. Cô không còn là chính cô, New York không phải là nơi để tài năng của cô tỏa sáng. Họ quyết định ly hôn và muốn giải quyết mọi thứ trong êm đẹp để không làm ảnh hưởng đến cậu con trai nhỏ Henry. Nhưng ai sẽ có quyền nuôi con không phải là điều dễ phân định và có thể giải quyết êm đẹp.
Đây là lúc cần đến sự trợ giúp của luật sư. Cả hai bên đều thuê được hai luật sư “không phải dạng vừa”, đầy mánh khóe và hiếu thắng. Họ đã luôn dành sự trân trọng cho nhau ngay cả khi phải quyết định ly hôn nhưng giờ đây kể cả những điều nhỏ nhặt nhất của đối phương cũng là thứ để họ đem ra bóc mẽ nhau trước tòa. Luật sư của Charlie đã nói rằng luật sư hình sự tìm ra những điểm tốt nhất ở một người còn luật sư giải quyết những vụ ly dị tìm ra những điểm xấu xa nhất ở một người.
Phần nào đó, phim nghiêng về phía phụ nữ, bảo vệ họ trước những phán xét bất công, vô hình gắn cho phụ nữ suốt bao lâu nay. "Người ta sẽ không bao giờ chấp nhận một người mẹ uống nhiều rượu vang và hét vào mặt con mình là "đồ khốn" mặc dù đôi khi bố mẹ nào cũng thế. Người ta có thể chấp nhận một người cha không hoàn hảo. Hãy đối diện với việc đó, ý tưởng về một người cha tốt mới chỉ được sáng tạo ra cách đây 30 năm. Trước đó, người cha được kỳ vọng là yên lặng, vắng mặt, không đáng tin cậy và ích kỷ. Ta có thể nói ta muốn họ khác đi nhưng về cơ bản, chúng ta chấp nhận họ như thế. Người ta có thể yêu đàn ông vì những sai lầm của họ nhưng họ không chấp nhận những sai lầm như thế ở những người mẹ như chúng ta" - luật sư Nora, nhân vật đại diện cho tiếng nói của phụ nữ đã nói như vậy. Những mâu thuẫn ngầm giữa Nicole và Charlie có thể bắt đầu từ cả hai phía, do mục tiêu cuộc sống của họ xa rời nhau nhưng người phạm lỗi trước là Charlie. Anh ngủ với cô đồng nghiệp (dù anh ta cố giải thích là chỉ có một lần duy nhất) khi vợ mình đã 1 năm không quan hệ với mình. Trong cuộc cãi vã, anh không giấu những lời cay nghiệt với Nicole. Anh cảm thấy "ghê tởm" khi chạm vào cô. Anh luôn tỏ ra yêu quý mẹ Nicole nhưng đến khi cãi nhau anh lại cho rằng Nicole là tổng hợp những gì xấu xí nhất của bố mẹ cô ấy. Anh cho rằng anh đã mất nhiều cơ hội với những cô gái khác khi lấy Nicole lúc còn quá trẻ, mọi thứ diễn ra quá nhanh và mỗi ngày thức dậy anh đều mong Nicole chết đi. Trong khi đó Nicole mới là người phải bỏ dở sự nghiệp đang lên để đi theo anh. Khi mọi người nói Charlie không thể trở thành nghệ sĩ lớn bởi vì anh ta quá ích kỷ, cô đã bảo vệ anh. Trong mắt Nicole, Charlie là người độc lập, có thể tự làm mọi việc từ vá chiếc tất đến nấu bữa tối nhưng đôi khi Charlie không hoàn hảo đến vậy, anh tỏ ra lóng ngóng, vụng về khi phải một mình làm tất cả công việc chăm sóc Henry.
Bộ phim được lấy cảm hứng từ chính câu chuyện ly hôn của đạo diễn kiêm biên kịch Noah Baumbach đồng thời từ trải nghiệm của những người xung quanh anh. Ngay cả nữ chính Scarlett Johansson cũng là người đã từng trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ. Có lẽ vì vậy mà mình thấy bộ phim này rất “đời”, rất thật, rất gần gũi, ta có thể dễ dàng gặp những câu chuyện hôn nhân như thế này hay những bất đồng, cãi vã, căng thẳng như thế ở bất kỳ cặp vợ chồng nào. 
Đối với mình, đây là một bộ phim không có nhân vật phản diện, không có ai đúng, ai sai trong toàn bộ câu chuyện này, mỗi người chỉ làm đúng vai trò của họ. Nicole và Charlie chiến đấu với nhau trước tòa chỉ để giành quyền nuôi con. Hai luật sư đầy mánh khóe, chiêu trò cũng chỉ để giành phần thắng cho thân chủ mình. Sau cùng thì cuộc ly hôn cũng đem lại bài học gì đó cho cả hai, một người đầy tính cạnh tranh như Charlie cũng phải chịu thua cuộc, một người vốn dễ nản lòng như Nicole cũng phải kiên quyết đấu tranh để có được quyền nuôi con. Trong phim có nhiều đoạn hai nhân vật chính độc thoại hay mỗi một người phải chật vật với cuộc sống và chăm sóc con ra sao khi chỉ có một mình vì vậy có thể thấy, đây không phải là một bộ phim đơn thuần về một cuộc hôn nhân mà trong đó còn là cả hành trình thay đổi bản thân của hai con người, gặp sóng gió, vấp ngã để trưởng thành hơn.
Nói về dàn cảnh, phim gây ấn tượng bởi sự tối giản. Ta có thể thấy sự tối giản đó xuất hiện ở căn nhà mới mà Charlie mua ở New York. Đặc biệt phòng khách của căn nhà đó có rất ít nội thất, trên tường hầu như không có bức tranh nào ấn tượng. Không gian tối giản này khiến người xem có thể tập trung vào lời thoại, diễn xuất của diễn viên trong phân đoạn Nicole và Charlie cãi vã – chiếm đến 11 trang kịch bản. Ở đoạn đầu phim, khi hai vợ chồng làm việc với nhà tham vấn, họ được đặt vào một không gian văn phòng tương đối chật chội, ánh sáng lạnh lẽo, thể hiện bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng. Họ ngồi trên hai chiếc ghế cách nhau một khoảng khá rộng, càng chứng tỏ vết rạn nứt trong mối quan hệ này khó có thể lành lại. Bên cạnh đó, phim cũng có những cảnh đầy tính ẩn dụ như cảnh cả hai cùng đóng lại cánh cổng nhà Nicole nhưng mỗi người đứng một phía, nó cũng giống như cách mà cả hai cùng đóng lại cuộc hôn nhân của mình và cho nhau lối đi riêng. Ánh mắt họ nhìn nhau khi đó còn có một chút gì tiếc nuối nhưng họ vẫn dứt khoát đóng cảnh cổng đó lại, không quá chần chừ, nặng nhọc, khép lại cuộc hôn nhân này để mỗi người có thể tự do trong vùng trời của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn, các thành viên trong đoàn làm phim đã kể về việc đạo diễn Noah Baumbach kỹ tính và đòi hỏi cao như thế nào, riêng việc lựa chọn bối cảnh, họ đã phải khảo sát kỹ lưỡng các địa điểm ở Los Angeles và New York trong nhiều tháng để chọn được những ngôi nhà ưng ý. Đạo diễn cũng chính là biên kịch nên mọi thứ trong phim đều được thể hiện đúng ý đồ, chẳng có thể tìm ra một chi tiết thừa nào.
Còn nói về diễn xuất, Scarlett Johansson và Adam Driver đã thể hiện xuất sắc chiều sâu của hai nhân vật chính, chân thực và sống động. Rũ bỏ lớp trang điểm cầu kỳ, Scarlett Johansson xuất hiện với vẻ ngoài mộc mạc, tập trung thể hiện những biểu cảm trên gương mặt đầy cảm xúc. Những cảnh quay cận mặt hai diễn viên chính xuất hiện với tần suất dày đặc đồng thời lột tả hết cảm xúc của nhân vật và tài năng của diễn viên.
Nhận được nhiều đề cử ở nhiều hạng mục, các giải thưởng danh giá và sự yêu mến của giới phê bình cũng như khán giả là minh chứng cho sự thành công của bộ phim. Tuy nhiên, đây chưa chắc là một bộ phim dễ cảm với nhiều người bởi không có nhiều cao trào hay gay cấn, mà đi sâu vào nội tâm giằng xé của mỗi nhân vật.
Đỗ Hồng Hoa.


Marriage Story (2019) - Câu chuyện hôn nhân

Marriage Story là câu chuyện hôn nhân đã đi đến hồi kết của hai người chẳng còn sự đồng điệu như họ đã từng. Bộ phim chiếm trọn cảm tình c...