Nếu tháng 3 vừa rồi chúng ta được thưởng thức bộ phim remake đầy
cảm xúc
Tháng Năm Rực Rỡ của Nguyễn
Quang Dũng, tháng 4 là phim ngôn tình ấn tượng 100 Ngày Bên Em của Vũ Ngọc Phượng; thì tháng 5 này, giới mộ điệu điện ảnh lại có dịp nao lòng với một màu sắc riêng biệt khác
cùng Nhắm Mắt Thấy Mùa
Hè của nữ đạo diễn Cao Thúy
Nhi.
Bộ
phim là hành trình của cô gái trẻ Nhật Hạ đến thị trấn Higashikawa, Hokkaido,
Nhật Bản để tìm kiếm cha - một nghệ sỹ chụp ảnh phim danh tiếng. Hành trình của
Hạ rẽ sang hướng mới khi cô gặp chàng trai Nhật Bản Akira, học trò của cha và
tìm cách thuyết phục anh dẫn cô đến những nơi cha từng chụp ảnh. Khi một tình cảm
nhẹ nhàng, trong trẻo bắt đầu nảy sinh giữa hai người thì cũng là lúc Hạ phát
hiện ra những sự thật về cha và Akira… “Nhắm mắt thấy mùa hè” đầy chất thơ
nhưng cũng mang nhiều thông điệp thực tế từ cuộc sống.
Ngay những
phút đầu tiên, phim đã gây ấn tượng với từng khung hình được trau chuốt kỹ
lưỡng tại miền quê nước Nhật. Một không khí thanh bình, tĩnh lặng, trong trẻo
bao phủ lên bộ phim. Những khung hình được chuyển cảnh nhịp nhàng kết hợp âm
thanh dịu nhẹ đã tạo nên chất thơ đầy mến cảm. Cách kể chuyện bằng hình ảnh ấy
khiến người xem ít nhiều liên tưởng tới những thước phim Mùa Hè Chiều Thẳng
Đứng của Trần Anh Hùng, hay gần đây là phim độc lập mùa Oscar vừa qua của Luca
Guadagnino – Call Me By You Name. Tuy nhiên, trái ngược với những khung hình
tuyệt đẹp dưới nắng hè rực rỡ ấy là một màu xanh dịu dàng tại vùng đất có tuyết
rơi vào mùa hè, một xứ sở thôn dã đậm chất phương Đông.
Đúng như cái
tên của Nhật Hạ - một cô gái tháng 7 vui tươi đầy sức sống, nụ cười tỏa nắng,
thích khám phá và hành động theo trái tim. Hạ thích chụp hình, gửi thư tay, xài
điện thoại thông minh, biết may vá và… ghét ăn hành. Ẩn sâu trong cô vẫn là sự
mạnh mẽ và lạc quan. Một cô gái vừa mang vẻ đẹp hiện đại, trẻ trung, vừa có nét
truyền thống, dịu dàng.
Ngược lại,
Akira (trong tiếng nhật có nghĩa là tỏa sáng) là chàng trai khiến người ta nghĩ
đến mùa đông, lạnh lùng, ít cười, ánh mắt luôn chất chứa đầy tự sự. Nhưng sâu
thẳm trong anh là sự ấm áp, tinh tế, sâu sắc và quan tâm chân thành. Akira biết
nấu ăn, thích chụp ảnh trắng đen không có người, đặc biệt không dùng điện
thoại. Anh là kiểu người ít nói và sống đơn độc. Nhân vật này ngay từ đầu đã
được xây dựng reo rắc nhiều dự cảm với những lời nhắn sau mỗi tấm ảnh: “Nếu một ngày, em không thể nhớ được nữa, em
sẽ muốn nhớ điều gì nhất?”, “Nếu một ngày, em không thể nghe…”, “Nếu một ngày,
em không thể nhìn…”, “Nếu một ngày…”, “Nếu một ngày…”
Những điểm
chung và đối lập tự nhiên ấy đẩy họ thu hút nhau, tạo lập nên thứ tình cảm nhẹ
nhàng, trong trẻo, đầy tin tưởng nhưng cũng mong manh, mơ hồ. Họ giao tiếp
không qua ngôn ngữ thông thường mà bằng cảm nhận của cơ thể, của ánh mắt và
trái tim mình. Về cơ bản, cốt chuyện của phim không phải quá đặc sắc, mới mẻ.
Với một câu chuyện bình dị, đơn giản, điều khơi gợi cảm xúc và lấy đi nước mắt
người xem nằm ở cách kể chuyện qua sử dụng từng khuôn hình, chuyển động máy,
dựng phim và diễn xuất của diễn viên.
Không ngôi
sao, không cảnh nóng, “Nhắm mắt thấy mùa hè” chính
xác là một bộ phim Indie kiệm lời, kể chuyện bằng hình ảnh sẽ gây được ấn tượng
cho những ai yếu mến thể loại này. Phải chăng, phim về những người đam mê nhiếp
ảnh nên đạo diễn lựa chọn cách kể qua mỗi khuôn hình như một tấm ảnh đẹp đẽ là
sự sắp đặt ăn khớp hợp lí? Phim có những khung hình đẹp một phần cũng bởi bối
cảnh quay được lựa chọn tại những địa danh đặc sắc tại Nhật Bản và Việt Nam như
Đà Lạt, đồng hoa hướng dương Hokuryu, núi lửa Asahidake thuộc quần thể núi lửa
Daisetsuzan, hoàng hôn trên Forest Center ở Higashikawa…
“Nhắm mắt
thấy mùa hè” giữ mạch liền xuyên suốt như một bài thơ nhịp nhàng, không quá lê
thê trong cách kể, cũng không quá nhanh vội, gấp gáp. Cảnh quay dài và chuyển
cảnh nhịp nhàng giúp phim dù có thời lượng ngắn nhưng không khiến người xem cảm
thấy vội vàng, hụt hẫng. Mỗi khuôn hình hiện ra đều khiến người xem chăm chú,
thưởng thức, bỏ lỡ một khuôn hình giống như bỏ lỡ một câu thơ, bài thơ vì vậy
mà thiếu đi cảm xúc, ý nghĩa. Chuyện kể kiệm lời, trong sáng của phim mang
nhiều màu sắc điện ảnh Nhật, dẫn dụ một số phim như Be With You (2004), Orange
(2015), Kikujiro (1999),…
Chất thơ của
phim còn thể hiện qua ngoại hình nhân vật và diễn xuất của diễn viên. Phương
Anh Đào (vai Nhật Hạ) đã được biết đến như một nàng thơ mới với gương mặt đậm
chất điện ảnh tại Việt Nam. Trong bộ phim này, diễn xuất trong sáng, mộc mạc
của cô hoàn toàn thuyết phục. Những giọt nước mắt được tiết chế, xử lí tạo nên
phân cảnh xúc động chân thực, bình dị hòa quyện màu sắc phim, bộc lộ cá tính
nhân vật và tác động sâu sắc cảm nhận người xem. Còn chàng thơ Akira (Takafumi
Akutsu đảm nhận) cũng khiến người xem nao lòng, thuyết phục bởi ngoại hình điển
trai và một giọng nói trầm ấm dẫn dắt làm tăng cảm xúc ngọt ngào, lãng mạn cho
phim.
Bối cảnh phim
phần lớn diễn ra tại Nhật Bản, nhân vật phim chủ yếu là người Nhật, cùng cách
kể, màu sắc phim, tình tiết cốt truyện khiến văn hóa Nhật Bản hiện lên rõ ràng
với lễ hội pháo hoa mùa hè, đền thờ thần đạo, trang phục yukata, hay cách người
Nhật hành xử, chào hỏi,… Không thể phủ nhận, văn hóa Việt còn hiện lên ít ỏi,
tuy nhiên vẫn có điểm nhấn và được đan cài tinh tế. Đó là hình ảnh những nữ
sinh mặc áo dài chở nhau trên chiếc xe đạp đi ngang con ngõ nhỏ trước cửa nhà
Hạ tại Đà Lạt, là hình ảnh cô mặc chiếc áo dài trong lễ ăn hỏi truyền thống
Việt Nam, là bát thịt kho tàu với trứng cút cô gắp cho bà Tomoe, là bài hát
Nhong Nhong Nhong nghẹn ngào được bố hát khi còn bé, bây giờ Akira cùng cô nhớ
về… Những điều nhỏ nhặt và bình dị ấy, có khi sẽ làm thấm đẫm và khiến người ta
nhớ đến lâu hơn về văn hóa Việt.
Bộ phim tuyệt
vời là vậy, nhưng là một phim độc lập đầu tay của những người trẻ, tất yếu
không thể tránh khỏi những sai sót, thiếu hụt, những điểm còn hạn chế trong
phim. Thời lượng phim ngắn chỉ 99 phút (có thể do kinh phí sản xuất) dẫn đến
tuyến nhân vật phụ trong phim còn mờ nhạt, chưa rõ ràng thuyết phục. Từ nhân
vật người bố Nhất Minh (NSƯT Công Ninh thủ vai) đến người mẹ của Hạ (Diễm Thy),
bà chủ tiệm ảnh Tomoe (Noriko Takimoto), nghệ nhân gốm Adachi (Norihiro
Takimoto) hay ông chủ trọ Kata (Akira Hatsusegawa), những người bạn Duy Anh
(Ben Phạm), Ran (Sayaka Mitsuta), Michiko (Mizuki Miyauchi),… được giới thiệu
chưa có nhiều vai trò, thậm chí người xem khó lòng nhớ được hết tên nhân vật.
Kịch bản phim
còn thể hiện nhiều lỗ hổng ở phần đầu, yếu kém khi sự gặp gỡ, xuất hiện của các
nhân vật và tình tiết phim mang tính ngẫu nhiên, sắp đặt lặp lại nhiều lần.
Điều đó khiến cho câu chuyện có phần khiên cưỡng. Motif chuyện cũ và kết thúc
khiến người xem không tránh khỏi nuối tiếc, hoài niệm.
Những mất mát
và tổn thương của Hạ dần trở thành một mạch chảy âm thầm, khiến cô điềm tĩnh mà
chấp nhận nó như cách người Nhật đã sống. Đến cuối cùng, cô mỉm cười khi ngồi
trên chiếc xe buýt lộng gió kể cả khi trái tim sẽ không thể thấy đủ đầy. Phần
lạc quan cứu vớt lại, Hạ nhận ra rằng “Mọi
thứ sẽ vẫn luôn là sai, cho đến khi chúng ta chấp nhận rằng đó là một phần để
tất cả trở nên đúng”. Và Akira dù kết thúc ra sao, vẫn luôn muốn rằng “Nếu một ngày ta có thể gặp lại nhau, anh sẽ
tìm em sớm hơn”. Đó như là chân lí sống lâu nay của người Nhật, quan trọng
hành trình hơn kết quả. Dù kết thúc ra sao, thì những chuyện xảy ra luôn là một
ký ức đẹp đáng lưu giữ trong chúng ta.
Sau tất cả,
khi ra khỏi rạp, nhắm mắt lại chúng ta sẽ thấy được mùa hè. Đó là những khung
hình xanh mát còn đọng lại mãi, là những thanh âm trong trẻo, ngọt ngào và đáng
yêu. Âm thanh của phim là một điều tuyệt vời quyện chảy cùng phim, bản nhạc kết
thúc, cũng là bài hát chủ đề “Nhắm mắt
thấy mùa hè” của Nguyên Hà chính
là dư vị cuối cùng tuyệt vời nhất.
“Ngày mai vẫn đến
Gió hát ngang trời
Còn mình nhắm mắt không nói một lời
Lại được thấy mùa hè ta gần nhau”
Hãy
ra rạp ngay để thưởng thức những bản nhạc tuyệt vời ấy cùng bộ phim ghi dấu ấn
trong điện ảnh trẻ Việt này.
Phim đang
được công chiếu tại 141 rạp trên toàn quốc từ 25.05.2018.
Trâm.
(Bài viết đã được đăng tại báo Công lý.vn)
(Bài viết đã được đăng tại báo Công lý.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét