Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Lady Bird – Chúng ta đều từng là một Lady Bird


Ở tuổi mười tám đôi mươi, trong mỗi chúng ta đều từng tồn tại một đứa trẻ như Lady Bird, khao khát khẳng định bản thân và khao khát được sống độc lập. Thế giới trước mắt chúng ta quá rộng lớn để bị ràng buộc ở một nơi, cô bé Christine ngỗ nghịch đã lên giọng khi được mẹ yêu cầu theo học một trường Đại học gần nhà rằng: "I hate Califonia". (Con ghét Califonia)
Tôi đón nhận bộ phim này với tâm lý một người trẻ, đã từng và vẫn đang ở trong hoàn cảnh của Lady Bird.

"Lady Bird" lấy bối cảnh tại Sacramento, Califonia nước Mỹ những năm 2000. Phim kể câu chuyện về cô bé Christine "Lady Bird" mười bảy tuổi, vừa bước vào năm cuối Trung học với những mối quan hệ gia đình, bạn bè và tình cảm. Bộ phim tập trung khai thác tâm lý của người trẻ trong năm tháng học cách trưởng thành và đang đứng trước một trong những lựa chọn của cuộc đời.
Lady Bird là chính chúng ta, hay mỗi chúng ta đều đã từng trải qua thời kỳ như Lady Bird. 
Chúng ta đã từng cảm thấy cuộc sống Trung học đều đặn trôi qua nhàm chán với các tiết học, những buổi cầu nguyện, những cuộc vận động tập thể,…; điểm số không cao không thấp, không quá mờ nhạt nhưng cũng chẳng nổi bật,…; cố khiến mình đặc biệt hơn bằng cách tự đặt một cái tên là lạ như "Lady Bird" chẳng hạn, và thiết kế tấm áp phích cá nhân với hình "một cái đầu chim trên thân hình cô gái hoặc ngược lại". Có ai trong chúng ta như Christine và cô bạn thân Julie đã từng đi học về qua một khu nhà đẹp, khi dừng chân ước rằng mình được sống ở đó: "Tớ rất thích khu này. Nếu sống ở đây tớ sẽ làm đám cưới ở sân sau. Tớ sẽ rủ bạn tới nhà bất cứ lúc nào để học và ăn vặt…" Có ai trong chúng ta đã từng lật giở trang tạp chí và cháy bỏng một ước muốn mình là người thay thế siêu mẫu trong những bức ảnh "high fashion".
Nếu Lady Bird cảm thấy ngột ngạt và nhàm chán với cuộc sống thực tại, thì mẹ cô lại quá đỗi yêu mến những điều thân quen quanh mình. Khi bà trở về nhà vào buổi chiều từ nơi làm việc, qua cửa kính ô tô, mỗi cung đường, mỗi góc phố, cây cầu và hàng cây lướt nhanh qua tầm mắt, theo chiều máy quay, đều gom góp lại thành điều hạnh phúc giản dị khiến bà mỉm cười.
Khi đang sống giữa tuổi trẻ như Lady Bird, chúng ta thường bỏ lỡ hạnh phúc, mặc dù nó đang hiện diện ngay kế bên, như là việc sở hữu một gia đình hoàn chỉnh, mặc dù không hoàn hảo, như là có một ngôi nhà để trở về cuối mỗi ngày, hay có một cô bạn thân để chia sẻ mọi điều ngớ ngẩn trong suy nghĩ,… Hay hạnh phúc tuổi mười bảy có khi đơn giản chỉ là một buổi tập kịch tràn ngập trong niềm vui và tiếng cười, là khi được đứng tập hát kế bên cậu bạn Danny mà ta cảm mến,...
Khi ấy, chúng ta có những lúc trái ý với cha mẹ, mà sau này nghĩ lại cảm thấy hối hận ngập trong lòng, như viết lên miếng băng tay một câu chửi thề, như đáp lại lời bố mẹ bằng cơn tức giận không kiểm soát, như cố ý giấu tờ tạp chí vào cạp quần vì mẹ không đồng ý cho "rước" về nhà,… Khi ấy chúng ta thường sống ích kỷ cho bản thân mà bỏ quên việc chăm sóc cho người thân: "Công ty của bố con đang cắt giảm rất nhiều nhân công. Con có biết điều đó không? Tất nhiên là không rồi. Bởi vì con chẳng chịu nghĩ cho bất kỳ ai ngoại trừ bản thân con."

Khi ta mười bảy, ta cũng gặp quá nhiều rắc rối, chuyện học hành và điểm số, mối quan hệ với các thành viên gia đình, mối bạn hệ với bạn bè và với chàng trai hay cô gái ta đang cảm mến,… Rồi cả tương lai khi ấy trông như một con đường mờ sương, ta vừa hồi hộp đón chờ, cũng đồng thời lo sợ phải dò bước đi trên đó.
Khi ta mười bảy, ta dễ đánh mất bản thân vào một vài mối quan hệ không phù hợp. Để nhập hội nhà giàu với Jenna Walton, Lady Bird đã "đá" cô bạn thân Julie sang một bên; nói dối nhà mình là ngôi nhà đẹp nhất khu phố, "căn nhà ba tầng màu xanh, cửa chớp màu trắng và quốc kỳ ngay trước cửa"; hay cố ý nói xấu và bày trò với cô giáo mà mình đã rất mực yêu quý,… Để tán tỉnh "trai hư" Kyle, Lady Bird phải cố tỏ vẻ ăn chơi, đua đòi cho phù hợp, hùa theo những câu chuyện rỗng tuyếch, nhàm chán và thường xuyên lo sợ rằng mình trót nói hớ điều gì.
Khoảnh khắc Lady Bird nhận ra mình đang phải gồng lên khoác một vẻ ngoài giả tạo để kết thân với hội bạn mới, khoảnh khắc Lady Bird cuối cùng cũng chịu trở về là "Nàng điểu" như trước: thẳng thắn, cá tính và làm theo những điều mình thực sự yêu thích cũng là khoảnh khắc khán giả thở phào.

Gia đình là không ai bị bỏ lại, cho dù có những lúc giận hờn, hiểu lầm.
Cách đây khá lâu, tôi từng đọc được một lời khuyên mà cho đến giờ bản thân vẫn nhớ rõ: "Bố mẹ có thể không hiểu bạn, nhưng chưa bao giờ ngừng yêu bạn".
Trong mối quan hệ giữa người với người, chúng ta hầu như không thể hiểu hết được suy nghĩ của nhau, kể cả đó có là một ai vô cùng thân thiết đi chăng nữa. Cho đến một thời điểm trên hành trình trưởng thành, giữa bố mẹ và con cái sẽ xuất hiện vết nứt lớn bởi hàng tá những bí mật và rắc rối.
Có đôi khi yêu thương và quan tâm trở thành gánh nặng, chúng ta cảm thấy bức bối và muốn thoát ra khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Nhưng rốt cục, đứa trẻ nào khi bước ra khỏi mái ấm và sự che chở rồi, cũng sẽ có lúc quay quắt nhớ những lời dặn dò và cả mắng mỏ của ba mẹ, đó cũng là lúc chúng ta cảm nhận rõ ràng nhất tình cảm gia đình.
Mối quan hệ giữa Lady Bird với mẹ mình chính là điển hình cho mối quan hệ chung của rất nhiều bậc phụ huynh với con cái. Tình yêu thương gặp khó khăn khi diễn tả bằng lời nói hay hành động, chúng thường bị che đậy dưới hình thức những lời trách mắng, sự cấm đoán và nhiều trạng thái tiêu cực khác.
Mở đầu phim "Lady Bird" là cuộc tranh cãi gay gắt trong xe ô tô, người mẹ phủ định hoàn toàn những năng lực của con gái bà, bà nói rằng dù sao con cũng chẳng được nhận vào những trường Đại học tử tế, đến thi bằng lái con còn không qua, trong khi cô con gái ra sức cao giọng: "My name is Lady Bird. Call me Lady Bird…" (Tên con là Lady Bird. Hãy gọi con là Lady Bird), không ai chịu nhường ai.
Người mẹ hẳn đã muốn khen cô con gái mình thật xinh đẹp trong chiếc váy dạ hội màu hồng, mặc dù màu hồng đó hơi chói. Nhưng đôi khi lời nói lại chẳng thể là diễn ngôn cho trái tim, nên bà bối rối trước câu nói "Con chỉ ước rằng mẹ thích con", cuộc hội thoại sau đó đã diễn ra theo chiều hướng không mong muốn: "Mẹ chỉ mong con sẽ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình" – "Sẽ ra sao nếu đây đã là phiên bản tốt nhất".


Không phải ai cũng biết thể hiện tình cảm đúng cách. Yêu thương vì thế đôi khi bị hiểu sai lệch là sự kiểm soát và khiến chúng ta cảm giác bức bối, ngột ngạt.

Một trong những cảnh phim xúc động nhất trong "Lady Bird" là khi mẹ đến đón Christine khi cô vừa trải qua "lần đầu" không như mơ với cậu trai hư Kyle.
"Con có ổn không?... Ôi bé con, không sao mà. Ổn thôi, ổn thôi."
Sau một vài chuyện tổn thương và những cú ngã, Lady Bird cũng bật khóc ôm lấy mẹ khi ngồi trong xe. Bà đã không gặng hỏi lý do của những vết xây xước trong lòng con gái, thay vì đó hỏi rằng "Con có muốn thực hiện công việc ưa thích của mình vào ngày Chủ nhật không?" (Tuy nhiên bà vẫn là bà mẹ soi xét như trước nay vốn thế, khi ngay lập tức hỏi về xuất xứ của chiếc áo khoác lạ mà con gái bà đang khoác trên người, mặc dù Christine vẫn đang ôm bà khóc nức nở).
Cho đến cuối phim, Christin cuối cùng cũng chịu đón nhận cái tên thật bố mẹ đặt cho mình, thay vì cố lên giọng "I'm Lady Bird" như trước. Cô gái nhỏ cũng nhận ra mình yêu thương gia đình không hoàn hảo của mình chừng nào, để lập tức gọi điện về cho ba mẹ nói câu "I love you".

Kỹ thuật quay trong "Lady Bird" khá đơn giản, không sử dụng những kỹ xảo phức tạp, bởi đặc trưng câu chuyện muốn tập trung vào việc miêu tả tâm lý nhân vật từ một cốt chuyện đơn giản, phần nữa là vì chi phí khá khiêm tốn của bộ phim, chỉ rơi vào khoảng 10 triệu USD.
Việc đạo diễn Greta Gerwig sử dụng nước phim tạo cảm giác hoài cổ cho tác phẩm "Lady Bird" có thể hiểu do bối cảnh phim diễn ra vào những năm 2000, hoặc do câu chuyện trong "Lady Bird" thực sự là một phần ký ức trưởng thành của chính cô, giờ đây đang được tái hiện lại bằng công nghệ hiện đại.


Đạo diễn Greta Gerwig và diễn viên Saoirse Ronan

Diễn viên chính của "Lady Bird" là Saoirse Ronan, một nữ diễn viên quen mặt với dòng phim điện ảnh và cả các giải thưởng nghệ thuật danh giá. Một trong những vai diễn tôi rất ấn tượng với Saoirse là vai nữ chính trong bộ phim "Brooklyn", xoay quanh câu chuyện về cô gái trẻ tên Eilis Lacey, rời quê hương để chuyển tới New York tìm kiếm công việc và tình yêu. Tuy nhiên nhân vật Eilis trong "Brooklyn" được xây dựng với hình ảnh nhút nhát, trầm lặng thay vì sôi nổi và nổi loạn như Christine "Lady Bird".

Ngoài tuyến nhân vật chính thì "Lady Bird" cũng rất thành công với các nhân vật phụ như người bố nhiều năm chiến đấu thầm lặng với bệnh trầm cảm, cố hết sức để cân bằng cuộc sống gia đình với hai người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ là vợ và con gái; cậu bạn Danny khó khăn che giấu giới tính thực của mình đằng sau vẻ ngoài mẫu mực và vui vẻ; cha Leviatch cố gắng giấu bệnh tình nghiêm trọng với học sinh vì không muốn các em lo lắng; sơ Sarah Joan thấu hiểu và bao dung,…

Âm nhạc trong "Lady Bird" hầu hết là những bài nhạc tươi sáng và vui vẻ, kể như có thể ngay lập tức nhún nhảy theo những âm thanh đó, thể hiện khao khát được tự do, được bay nhảy như chim trời đang sục sôi trong huyết quản của những người trẻ. Cảnh Lady Bird cùng bạn trai Danny nhảy múa bên vườn hoa là cảnh quay đẹp, vui tươi trên nền nhạc rộn ràng, ai trong chúng ta không từng mơ có một tình yêu đẹp như thế. Hay âm thanh dồn dập khi Lady Bird xé từng bì thư gửi về từ các trường Đại học, tạo hiệu ứng khiến khán giả cũng cảm thấy hồi hộp chờ đợi kết quả như chính mình là người đang mở kết quả xét tuyển.

Trong năm phút đầu phim, cuộc sống Trung học thường ngày của Lady Bird được tua nhanh, sự nhàm chán ngày qua ngày được thể hiện qua việc đan xen cảnh quay các tiết học, những buổi cầu nguyện, những cuộc vận động tập thể,… lặp đi lặp lại. Xuyên suốt bộ phim, mạch truyện khá vừa phải khi đi theo thời gian tuyến tính: từ lúc Lady Bird bước vào năm cuối Trung học, đến các sự kiện diễn ra trong suốt năm học đó và kết thúc khi Lady Bird chuyển tới New York để bắt đầu cuộc sống Đại học. Các nút thắt mở, cao trào và cách giải quyết vấn đề trong phim đều khá nhẹ nhàng, khi đạo diễn không cố đưa vào phim những tình tiết gay cấn hay giật gân.
Ví dụ khi Lady Bird phát hiện ra cậu bạn trai Danny của mình là gay, cô bé quyết định cắt đứt liên lạc với Danny một thời gian trước khi cậu đến quán Lady Bird làm thêm để xin lỗi. Rắc rối giữa hai người họ được giải quyết khi Lady Bird ôm Danny và an ủi những lo lắng của cậu.
Một cao trào khác trong phim là phân đoạn cô bạn Jenna phát hiện Lady Bird nói dối địa chỉ nhà. Khán giả hồi hộp theo dõi và tự đặt ra câu hỏi liệu diễn biến của câu chuyện này có đi theo motif của các bộ phim học đường nổi tiếng như "Mean Girl" hay "Gossip Girl" trước đó hay không? Jenna có cố làm bẽ mặt Lady Bird ở trường? Lady Bird sẽ phải đối mặt với rắc rối gì tiếp theo, bị tẩy chay, bị cười nhạo,…?
Càng về cuối mạch phim càng dồn dập, cảm xúc của các nhân vật được đẩy lên tới cao trào và lấy của khán giả nhiều cảm xúc và nước mắt.
Kết thúc phim là cảnh Christine tự lái xe, qua cửa kính ô tô, những vạt nắng, những con đường, cửa tiệm, những ngôi nhà và cây cầu đồng thời lướt qua điểm nhìn của hai mẹ con. Christine giờ đang ngắm nhìn Thế giới bằng cảm nhận hạnh phúc giống như mẹ của mình. Chúng ta đi cùng nhau một đoạn đường cho tới khi rẽ hai hướng, mỗi người sẽ lại tiếp tục độc bước trên hành trình của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cô đơn, bởi những người yêu thương sẽ luôn bằng cách nào đó đem đến cho ta sức mạnh và lòng can đảm, như cách mà bố mẹ hay bạn thân Julie vẫn luôn ủng hộ Christine.



Oscar 2018 được coi là năm lên ngôi của nữ quyền, Lady Bird là một trong những tác phẩm được đánh giá cao trong vấn đề này khi phác họa thành công hình ảnh một Christine "Lady Bird" mười bảy tuổi sôi nổi, giàu tình cảm, hay hình ảnh người mẹ vừa chăm lo cho gia đình và cô con gái đang tuổi nổi loạn, vừa là một y tá tận tâm tại bệnh viện.

Ngay từ khi có mặt trong danh sách đề cử cho hạng mục "Phim truyện xuất sắc nhất", "Lady Bird" đã được đánh giá là một đối thủ nặng ký trước hàng loạt những tên tuổi mạnh khác. "Lady Bird" là một bộ phim khá dễ xem, không hề mang nặng tính triết lý hay cất giấu những ý nghĩa trừu tượng. "Lady Bird" chỉ đơn giản là một câu chuyện nhẹ nhàng về tuổi mới lớn, về yêu thương giữa con người với nhau, đồng thời đề cao sự gắn kết gia đình và xã hội.
 Thanh Hải.

1 nhận xét:

  1. Best merit casino【Malaysia】 - Xn--o80b910a26eepc81il5g.online
    What is the 메리트 카지노 쿠폰 best merit casino on the Internet? Our tipsters list our septcasino experts rank 온카지노 the best merit casino online in South Africa.

    Trả lờiXóa

Marriage Story (2019) - Câu chuyện hôn nhân

Marriage Story là câu chuyện hôn nhân đã đi đến hồi kết của hai người chẳng còn sự đồng điệu như họ đã từng. Bộ phim chiếm trọn cảm tình c...