Cảnh báo spoil: Bài viết dưới đây có thể tiết lộ một số tình tiết trong phim. Nếu chưa xem phim, vui lòng cân nhắc trước khi đọc tiếp!
Phim LGBTQ có xu hướng gây ra những tranh luận về tính xác thực, nhất là đối với những cảnh tình dục: Nó có nên được tái hiện chính xác hay không? "Portrait of a Lady on Fire" (2019), bộ phim giành nhiều giải thưởng mới đây của đạo diễn - biên kịch người Pháp Céline Sciamma từ chối việc phải lựa chọn cho câu hỏi trên, thay vào đó đáp lại những tranh luận chính trị về LGBT một cách thú vị và tinh tế.
Sciamma nổi tiếng trong việc làm ra những bộ phim khiến người xem mở ra góc nhìn khác biệt về ham muốn. Ba bộ phim đầu tay của cô gồm "Water Lilies" (2007), "Tom boy" (2011) và "Girlhood" (2014) đều tránh trần thuật về cuộc chiến "come-out" (công khai xu hướng tính dục). Thay vào đó, mỗi phim khai thác trải nghiệm mông lung và bối rối của các nhân vật LGBT trẻ tuổi khi họ đang phải vật lộn với thế giới đầy những điều gai góc lẫn kì lạ.
Phim mới nhất của Sciamma chuyển từ dòng phim về tuổi mới lớn sang bộ phim lãng mạn về những người đồng tính nữ trưởng thành. Đặt trong bối cảnh nước Pháp thế kỉ 18, "Portrait of a Lady on Fire" xoay quanh nàng họa sĩ Marianne (Noémie Merlant thủ vai) và việc vẽ bức chân dung của người mà sau đó khiến cô rơi vào lưới tình. Từ chối một cuộc hôn nhân xếp đặt, Héloïse (Adèle Haenel thủ vai) không chịu ngồi một chỗ để bất kì ai vẽ chân dung cô gửi tới "chồng sắp cưới". Marianne bề ngoài được thuê để làm người đồng hành và trông coi Heloise dạo bộ nhưng thực chất là để quan sát và vẽ cô một cách bí mật.
Qua những cảnh Mariane liếc nhìn một cách lén lút chủ thể cô cần vẽ, bộ phim đã thiết lập câu chuyện về ham muốn. Cái nhìn đáp lại của Heloise đã tạo nên mối tình của hai người phụ nữ.
Mật mã
Sự tái hiện gián tiếp những ham muốn của người đồng tính nữ trong phim Sciamma chịu ảnh hưởng nhiều của phim Hollywood cổ điển.
Khi mà nền công nghiệp điện ảnh cấm sự tái hiện chân xác những cảnh tình dục và những cái bị coi là đồi trụy theo như Bộ luật Sản xuất, nhà làm phim đáp lại bằng việc phát triển một hệ thống tinh tế hơn để tái hiện ham muốn và những cảnh ân ái. Một cái liếc nhìn, một cử chỉ, một lời thoại hay một đồ vật đều có thể truyền tải ẩn ý tính dục. Ý tứ đó chỉ có thể ngầm ẩn và gián tiếp, nếu không sẽ dễ dàng bị các nhà phát hành Hollywood từ chối trước sức ép cung cấp "giải trí lành mạnh".
Một bộ phim đồng tính độc lập "A song of love" (Jean Genet, Pháp, 1950) khai thác lịch sử mô phỏng bằng một phân cảnh gợi tình mà trong đó khói thuốc và việc hút thuốc đại diện cho những điều khác hơn.
Di sản của phim Hollywood cổ điển vẫn tồn tại, nhưng những giới hạn đã thay đổi. Giờ đây, câu hỏi không phải phim chính thống có thể đưa những cảnh lãng mạn đồng tính lên hình hay không, mà là chúng có thể đưa cảnh tình dục đồng tính lên hình hay không.
Bộ phim "Blue is the warmest colour" (2013) của đạo diễn Abdellatif Kechiche bị cho là xúc phạm người đồng tính nữ về cảnh quan hệ đồng tính dường như quá phô phang và soi xét. Mặt khác, quyết định đưa ống kính di chuyển rụt rè ra cửa sổ thay vì thể hiện cảnh ân ái của đạo diễn Luca Guadagnino trong phim "Call me by your name" lại bị chê trách là thiếu sót bởi nhà phê bình D.A.Miller
Có thể bạn thấy, có thể bạn không
Sciamma từng bị chỉ trích không đủ dũng cảm vì không dám đưa những cảnh tình dục chân xác hơn lên phim của mình. Nhưng nhà làm phim khẳng định "Có cảnh tình dục, chỉ là nhiều khả năng bạn không nhìn thấy".
Khi đôi tình nhân nằm trên giường, Heloise rủ Marianne thử một loại thảo dược gây ảo giác - thứ hứa hẹn sẽ khiến thời gian ngưng đọng. Với một cánh tay giơ lên, Heloise lấy một chút thảo dược và bôi nó dọc nách. Cảnh phim cắt đột ngột và chuyển sang cận cảnh một sự thâm nhập. Ban đầu nó có vẻ khó hiểu, nhưng theo sự chuyển động của máy quay, ta nhận ra rằng: Ngón tay của Heloise được nách của Marianne ngậm chặt.
"Trò đùa thị giác" này chơi đùa trên khát khao muốn nhìn thấy cảnh tình dục, khát khao được đóng khung phong cách và thể loại phim.
Một trong những quy ước của phim lãng mạn về đồng tính nữ mà minh họa tiêu biểu nhất là tác phẩm kinh điển "Claire of the Moon" (1992) đó là khán giả sẽ dành hầu hết thời gian để xem những diễn biến dễ đoán, chờ đợi một cảnh sex bùng nổ. Bộ phim là sự hòa trộn giữa tự sự và gợi tình. Trong "Portrait of a Lady on Fire", hình ảnh về sex xuất hiện quá đột ngột giữa các cảnh phim và quá sớm trong mạch truyện, điều này phá vỡ tiêu chuẩn thông thường về loại thể.
Ở một mức độ khác, hình ảnh đó là một trong những cử chỉ điển hình của điện ảnh Hollywood cổ điển. Dường như những bộ phận cơ thể có nhiều hơn một ý nghĩa. Nhờ vậy mà hình dung về tình dục đi xa hơn. Thay vì gợi lên những khía cảnh lãng mạn của cảnh sex đồng tính nữ, nó bắt chước những cảnh phim quan hệ thật (cả đồng tính và dị tính) phổ biến trong dòng phim nghệ thuật từ những năm 1990.
Những cảnh tình dục chân thực chứ không phải mô phỏng tập trung vào sự cương cứng, thâm nhập và cực khoái, cố gắng làm cho những cảnh thân mật không chỉ được hiển thị mà còn chân thực.
Thay vì cố khẳng định tính chân thực của cảnh thân mật bằng những cách phổ biến, Sciamma đã đẩy sự chú ý đến sự quy ước, bản dạng giới và những lí tưởng mà nó đang cố gắng duy trì. Việc từ chối xem xét các phân cảnh trong phim Sciama như là cảnh sex thực có liên quan đến điểm mù văn hóa về tình dục: Đó là khi người ta cho rằng tình dục chỉ phát sinh tại một khu vực cụ thể trên cơ thể, luôn phải thâm nhập vào một vị trí cố định và phải lên đến cực khoái.
Sciamma ghi nhận và phản hồi vấn đề này băng cách đi theo hướng khác. Phân cảnh này đã làm gián đoạn dòng chảy kì vọng về một cảnh sex hiện hữu, khiêu gợi điển hình.
Bộ phim của Sciamma đã đẩy sự chú ý của người xem đến những quy ước điện ảnh để suy ngẫm về vấn đề cái gì được coi là tình dục. Trong một khoảng khắc ngắn ngủi bất thình lình, "Portrait of a Lady on Fire" đã chơi đùa với cách chúng ta nhìn nhận về tình dục giữa hai người phụ nữ.
Nguồn: https://theconversation.com/where-theres-smoke-seeing-sex-in-portrait-of-a-lady-on-fire-132184
Dịch: Đỗ Minh
***Vui lòng ghi đầy đủ nguồn khi trích dẫn.